Trang chủ » Công tác xã hội » Ánh mắt buồn của cậu bé 8 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo

Ánh mắt buồn của cậu bé 8 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo

Cậu bé nằm co quắp ở một góc giường, đôi mắt trong veo mở to nhìn ra xung quanh như muốn nói điều gì đó nhưng lại không thể mở lời. Đã 8 tuổi nhưng em chỉ nặng vẻn vẹn 12kg, hỏi gì cũng chỉ biết gật và lắc.
Em tên là Lý Sơn Lâm, con trai của anh Lý Văn Hải (1973) và chị Nguyễn Thị Tiếp (1983) ở thôn Mai Hồng Ba, xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Vào viện đã hơn một tuần nhưng gần như em chẳng bao giờ ăn. Không phải vì em dỗi bố mẹ hay chán bữa cơm ở bệnh viện, mà do cơ thể yếu quá khiến em không ăn được gì dù bụng đói quay quắt. Thỉnh thoảng chị Tiếp chỉ bón cho con nhấm nháp được chút nước cam rồi lại phải bỏ dở.

 

 Gan lách trướng to do bé Lâm bị bệnh huyết tán thiếu máu.

Cậu bé mê mệt đến lịm người nên không nói không cười, chỉ nằm yên một chỗ ngước mắt nhìn. Ai qua lại cũng thương cho quả cam hay cái bánh, lúc này mắt em long lanh đến lạ nhưng rồi lại vội cụp xuống. Chúng tôi để ý thấy mắt cậu bé đỏ hoe như chực bật khóc, dường như em muốn nói lời cám ơn nhưng đành bất lực vì không đủ sức.

Nhìn thân hình chỉ có da bọc xương đang cố gắng thở từng nhịp gấp gáp của em, tôi rất muốn ôm lấy hình hài bé nhỏ ấy mà nựng nịu, vỗ về. Ở tuổi này đáng lẽ ra em đang được vui đùa cắp sách đến trường với bè bạn, thế mà bé Lâm đáng thương lại đang phải nằm đây thoi thóp để cố gắng giành lấy sự sống từng giây, từng phút.

Hỏi về bệnh tình của bé Lâm, chị Tiếp cho biết: “Sinh ra cháu đã yếu, mọi sinh hoạt hàng ngày đều không tự làm được. Lúc 4 tuổi thì phát hiện Lâm bị bệnh huyết tán thiếu máu, lá lách to nhưng…” – bỏ lửng câu nói, chị bật khóc nức nở. Phải một hồi lâu trấn tĩnh lại được, chị mới tiếp lời:

Cũng chỉ tại gia đình nghèo quá. Cả hai vợ chồng đều là người dân tộc Dao quanh năm chỉ biết làm nương rẫy, nhà lại có tới 5 miệng ăn (anh chị có 3 người con, Lâm là con thứ 2 – PV) lo có cái ăn đã khó. Biết con bệnh nhưng không có tiền nên đành ở nhà. Nhìn con đau đớn, sức khỏe yếu dần từng ngày, cả hai vợ chồng như bị cắt từng khúc ruột. Cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc”.

Vừa nói chị Tiếp vừa len lén quay sang nhìn đứa con tội nghiệp đang quay quắt trên giường. Ánh mắt đó dường như chất chứa đầy nỗi ân hận, đau xót chỉ vì bố mẹ nghèo quá mà đành để cho con phải ra nông nỗi này ?! Nuốt nước mắt vào trong, chị lại nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Lỡ một ngày Lâm bỏ tôi ra đi mãi mãi, tôi biết lấy gì đền tội với con. Sinh con ra mà không thể chữa được bệnh cho con vì quá nghèo. Bố mẹ có tội với con thật rồi, Lâm ơi!”.

 Liều đem con lên xuống Hà Nội vào viện chữa trị, nhưng 2 vợ chồng người Dao ở Lào Cai “không xu dính túi”, lo lắng trăm bề trước bệnh tình của con.

Nghe chị nói mà tôi cũng chạnh lòng, thấy cổ họng mình cứ nghèn nghẹn, đắng ngắt. Giá như có một điều kì diệu cứu sống được em, để trên môi em được nở một nụ cười thì tôi và chị Tiếp sẽ mãn nguyện, hạnh phúc biết bao. Nhưng hiện thực là em vẫn cứ nằm đó với dáng vẻ mong manh… Liệu rằng sự sống yếu ớt trong hình hài xanh xao vàng vọt này sẽ còn trụ lại được bao lâu nữa, để cho gia đình chị Tiếp được tiếp tục hi vọng và nuôi ước mơ con sẽ được cứu sống?

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, khoa Huyết học bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Bệnh của Lâm do gen di truyền từ bố mẹ, hơn nữa lại để quá nặng mới đến viện nên trước mắt phải tiến hành việc cắt bỏ khối u ở lá lách,. Còn sau đó hàng tuần phải vào viện truyền máu. Nếu không được truyền máu thường xuyên em không thể sống được”.

Biết được bệnh tình của em, tôi quay sang hỏi anh Hải, bố của Lâm: “Gia đình có chuẩn bị gì cho việc chữa bệnh cho cháu ?”, rồi chợt thấy mình thật vô duyên khi nhìn dáng vẻ tiều tụy, khô héo của vợ chồng anh.

“Gia đình tôi đánh liều cho cháu lên viện vì không đành lòng nhìn con đau đớn như vậy, chứ không có gì trong người cả. Tôi đang hỏi vay mượn người trong thôn nhưng ngặt một nỗi họ cũng nghèo quá”, anh Hải lí nhí trả lời.

Tôi lại quay sang nhìn Lâm, ánh mắt em đang nhìn tôi như cầu xin, năn nỉ. Như thể em muốn được mọi người giúp cứu sống để có thể được chạy nhảy, được cắp sách đến trường… Chắc hẳn lúc đó tôi sẽ được thấy bé Lâm của tôi cười – nụ cười đầu tiên hồn nhiên trong sáng như bao con trẻ khác…

(Nguồn : http://dantri.com.vn)

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Tiếp, buồng số 5, khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương

ĐT: 01673.952.831

2. Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Trung ương ,

ĐT: 04.62738774

Chuyên mục: Công tác xã hội

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em