Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Bệnh viện Nhi Trung ương khởi động Ngân hàng Máu cuống rốn đầu tiên tại miền Bắc

Bệnh viện Nhi Trung ương khởi động Ngân hàng Máu cuống rốn đầu tiên tại miền Bắc

 

                Bệnh viện Nhi Trung ương đang khởi động tiến tới thành lập Ngân hàng Máu cuống rốn (NHMCR) đầu tiên ở miền Bắc. Hiện nay, số mẫu lưu trữ tại NHMCR đã đạt được hơn 250 mẫu, tiến tới sẽ còn lên đến hàng nghìn mẫu. Đây sẽ là nguồn cung cấp tiềm năng các đơn vị máu cuốn rốn dự phòng ghép cho bệnh nhân không may mắc các bệnh hiểm nghèo trong cộng đồng…

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai, Phó trưởng Khoa Truyền máu cho biết, máu cuống rốn là máu có trong dây rốn, phần nối giữa em bé và bà mẹ thông qua bánh nhau. Ngân hàng máu cuống rốn là nơi thu thập, xử lý và lưu trữ nguồn tế bào gốc trong đó chủ yếu là tế bào gốc tạo máu từ cuống rốn. Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những phương pháp điều trị các bệnh ở trẻ em như: suy tủy, thiếu máu di truyền mạn tính (Thalassemia), bạch cầu cấp (ung thư máu ở trẻ em), ly thượng bì…Do vậy, lưu trữ máu cuống rốn chính là sự đảm bảo cho tương lai nếu bé không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị. Ngoài ra, tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn còn có thể tạo cơ hội chữa trị cho người thân trong gia đình nếu có sự phù hợp. Thời gian bảo quản các mẫu máu cuống rốn là 10-15 năm.

Việc lưu trữ máu cuống rốn cũng giúp gia đình giảm thiểu tối đa các chi phí khi trẻ không may bị mắc một số bệnh như đã nêu trên. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai cho biết, trong số các bệnh nhi mắc các bệnh cần ghép tế bào gốc tạo máu thì bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu di truyền mạn tính thể nặng là bệnh thường xuyên cần truyền máu thải sắt để duy trì cuộc sống bình thường. Gia đình không chỉ tốn kém một khoản chi phí đắt đỏ tiền máu, mua thuốc thải sắt mà còn mất rất nhiều thời gian. Bệnh nhân nếu được ghép tế bào gốc tạo máu thành công sẽ không còn phải truyền máu thải sắt, giúp gia đình giảm tải đáng kể cả về kinh phí và thời gian.

Cũng theo Tiến sĩ Mai, hiện nay châu lục nào trên thế giới cũng có NHMCR. Việc vận hành và đưa một NHMCR vào hoạt động đòi hỏi kinh phí khá lớn và phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về chuyên môn, kĩ thuật. Tại Việt Nam, mới chỉ có hai NHMCR trong thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động. Đó là NHMCR Bệnh viện Huyết học Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng tế bào gốc MekoStem. Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định đầu tư về kinh phí cũng như kỹ thuật để khởi động tiến tới thành lập NHMCR đầu tiên ở miền Bắc. Đặc biệt, ngoài mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu, NHMCR Bệnh viện Nhi Trung ương còn mang tính ứng dụng rất cao. Không chỉ giúp các gia đình lưu giữ mẫu máu cuống rốn của con em như một hình thức dự phòng cho sức khỏe trong tương lai, mà đây cũng sẽ là nguồn cung cấp tiềm năng các đơn vị máu cuống rốn dự phòng ghép cho bệnh nhân không may mắc các bệnh hiểm nghèo trong cộng đồng.

Trở thành NHMCR đầu tiên tại miền Bắc, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ có nhiều cơ hội kết nối với các NHMCR trong nước cũng như khu vực, từ đó tăng cơ hội tìm kiếm những mẫu cuống rốn phù hợp, nâng cao khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân trong nước và khu vực ./.



Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em