Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » BV Nhi TƯ: Từ người “học trò” đến “bậc thầy” tầm cỡ

BV Nhi TƯ: Từ người “học trò” đến “bậc thầy” tầm cỡ

 

(Nguồn: giadinh.net.vn) – Tách cặp song sinh dính nhau phức tạp, nội soi phẫu thuật bệnh lý thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi… chỉ là một số thành tựu trong suốt cuộc hành trình vì người bệnh của các y, bác sỹ ở BV Nhi TƯ. Từ vị thế “học trò” trong điều trị nhi khoa, đến nay BV Nhi TƯ đã trở thành bậc thầy tầm cỡ thế giới về một số lĩnh vực…

 

Những em bé nhẹ cân được cứu sống nhờ các kỹ thuật hiện đại áp dụng tại bệnh viện. Ảnh: V.KHÁNH.

Tách cặp song sinh dính nhau

 

Kỹ thuật mổ nội soi thoát vị cơ hoành ở trẻ sơ sinh là một kỹ thuật khó nhưng BV Nhi TƯ đã thực hiện thành công 200 trường hợp, trong đó có bệnh nhi chỉ cân nặng 1,8kg. Thành tích này của bệnh viện đã được báo cáo trong Hội nghị ngoại nhi quốc tế tổ chức tại Singapore và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Cho đến bây giờ, cuộc đại phẫu thuật tách hai cặp song sinh dính nhau Nghĩa – Đàn và Cúc – An năm 2003 vẫn được các y, bác sĩ ở BV Nhi TƯ nhắc đến với một niềm tự hào sâu sắc. Đó là một cuộc phẫu thuật khó và phức tạp do cặp song sinh chung nhau nhiều bộ phận: Xương ức, gan, ống mật chủ, cơ hoành, ruột non và màng tim. Thách thức đặt ra cho các bác sỹ là phải làm sao tạo được một vạt da của chính đứa trẻ để lấp vào vị trí sẽ phẫu thuật.
Sau cuộc hội chẩn, kíp phẫu thuật đã đưa ra một quyết định táo bạo là đưa vào trong da của hai đứa trẻ một quả bóng và mỗi ngày bơm một ít để quả bóng to dần lên, làm giãn da bụng cho đến khi vạt da giãn ấy đủ để lấp vào vết mổ. Đây là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật này và đã thành công.
Trước đây, với những vết mổ hở to như thế thường chỉ được phủ bằng gạc, nhưng nếu tận dụng được chính vạt da của người bệnh thì vết thương sẽ chóng lành hơn và chống được nhiễm trùng. Việc thứ hai là làm thế nào gây mê cả hai đứa trẻ cùng một lúc, làm sao để đặt ống thông vào trong phổi để gây mê được vì hai đứa trẻ nằm úp mặt vào nhau.
Khó khăn nhất là hai cháu lại có chung gan, chung đường mật, khi tách phải tạo được đường mật riêng, đường tụy riêng cho hai đứa trẻ. Nghĩa là phải tạo ra một lỗ mới để đường mật đi vào ruột và vẫn cung cấp được dịch mật. Ngoài ra, phần hậu phẫu cũng rất phức tạp vì vẫn phải cung cấp điện giải và năng lượng để vết thương chóng lành. Hơn 10 giờ đồng hồ căng như dây đàn trong phòng mổ, cuối cùng ca phẫu thuật đã thành công ngoài sức tưởng tượng, tạo được dư luận tốt trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Thành công này đã thể hiện sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam. Đồng thời đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc cho nhi khoa Việt Nam với khu vực và trên thế giới. PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết từ đó đến nay, bệnh viện đã tiến hành tách thành công cho 5 cặp song sinh.
Tiên phong  nhiều kỹ thuật

 

BV Nhi TƯ là trung tâm hàng đầu về phẫu thuật u nang ống mật chủ với số lượng lớn nhất thế giới – 450 bệnh nhi. Ngoài ra, bệnh viên cũng là đơn vị đầu tiên tiến hành mổ tim hở và can thiệp tim mạch cho trẻ em. Những kỹ thuật này đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có chuyên môn kỹ thuật sâu về phẫu thuật, gây mê và hồi sức nhi khoa. Bệnh viện đã đào tạo đội ngũ y, bác sĩ giỏi, có khả năng mổ tim hở thành công cho trẻ có cân nặng 8kg. Đến nay, đã có hàng trăm trẻ được mổ tim hở thành công.
Gần đây nhất, BV Nhi TƯ đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ tủy xương chữa bệnh ly thượng bì bọng nước cho em bé 4 tuổi và đã tiến hành ca ghép tiếp theo cho một cháu bé khác. Đây là trung tâm thứ 2 trên thế giới điều trị căn bệnh nan y bằng phương pháp này.

 

PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, nội soi phẫu thuật bệnh lý thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi đã được bệnh viện ứng dụng sớm và Việt Nam trở thành nước thứ ba trên thế giới thực hiện thành công phương pháp này. Nhưng đặc biệt hơn, bệnh viện đã cải tiến kỹ thuật một bước nữa là mổ nội soi thoát vị cơ hoành trên bệnh nhân nhi sơ sinh. Thành công này đã được giới y học thế giới ghi nhận Việt Nam là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật trên ở trẻ sơ sinh.
Nhắc tới ca phẫu thuật này, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm không khỏi xúc động. Đấy là một trường hợp em nhỏ ở Hà Nội, sinh ra đã xuất hiện tình trạng tím tái, suy hô hấp. Sau khi làm các xét nghiệm, cháu bé được chẩn đoán là thoát vị cơ hoành bẩm sinh với tình hình hết sức nguy kịch, các bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho thở ôxy. Khi cháu bé đến bệnh viện, tình trạng rối loạn trao đổi khí rất trầm trọng. Khí CO2 bị ứ nhiều, do vậy không thể thở máy bình thường mà phải cho thở máy cao tần với mục đích rút khí CO2 và tăng cường trao đổi ôxy. Sau 5 ngày thở máy cao tần, bệnh nhi có tỉnh táo hơn nhưng hoạt động tuần hoàn vẫn rất kém.
Bệnh nhi này không chỉ bị thoát vị cơ hoành mà còn bị dị tật tim bẩm sinh, đòi hỏi phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu để bệnh nhi tiếp tục thở máy cao tần thì sẽ tử vong nhanh chóng. Nhưng nếu phẫu thuật thì sẽ phải chuyển từ phòng hồi sức sang phòng mổ, trong thời gian đó phải tháo máy thở cao tần và hỗ trợ hô hấp bằng cách bóp bóng. Với sức khỏe yếu của bệnh nhi, chỉ cần rút máy thở cao tần là tử vong ngay.
Khó khăn hơn, máy thở cao tần không đáp ứng được trong phòng mổ vì hệ thống máy kết nối khí nén và ôxy trong phòng mổ không tương thích với máy thở cao tần, trong khi chỉ có loại máy thở này mới duy trì hô hấp được cháu bé. Sau cuộc hội chẩn gấp gáp, các bác sĩ quyết định mổ nội soi cho bệnh nhi này ngay tại phòng hồi sức trong khi vẫn phải sử dụng máy thở cao tần. Và kết quả ngoài mong đợi, bệnh nhi đã có cơ hội sống sau hơn 1 giờ phẫu thuật. Thành công này đã góp một kinh nghiệm quan trọng vào phẫu thuật nội soi quốc tế.
“Xử lý thoát vị cơ hoành trước đây chỉ có cách mổ mở. Tỷ lệ tử vong sau mổ cao và phụ thuộc vào thời gian xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp. Khi phẫu thuật nội soi ra đời, các nhà phẫu thuật Mỹ đã áp dụng kỹ thuật này để xử lý thoát vị cơ hoành, nhưng họ đã không thành công khi mổ nội soi cho bệnh nhân sơ sinh. Bệnh nhi sơ sinh thoát vị cơ hoành thường suy hô hấp nặng, do đó việc làm đầu tiên là phải hồi sức nhanh chóng, chứ không đưa ngay vào phòng mổ như trước đây. Quan trọng nhất vẫn là người thực hiện kỹ thuật phải thao tác chính xác, gây mê hồi sức và duy trì ôxy trong suốt thời gian mổ. Việt Nam đã làm được và giờ trở thành người giảng dạy cho nhiều nước trên thế giới”,  PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói.
Phương Thuận – Hoài Nam



Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em