Trang chủ » Y học thường thức » Cảnh báo trẻ nhỏ bị đuối nước do người lớn bất cẩn

Cảnh báo trẻ nhỏ bị đuối nước do người lớn bất cẩn

Chỉ trong vòng hơn một tháng qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 10 trẻ đuối nước phải nhập viện, trong đó có 3 trẻ tử vong khi cùng gia đình đi nghỉ.

Ngày 8/9, BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 1 tháng qua, khoa tiếp nhận hơn 10 trẻ bị đuối nước, nhiều trường hợp tử vong rất thương tâm.

BS Dũng dẫn chứng, câu chuyện 3 trẻ ở Bắc Giang được tìm thấy khi đã bị đuối nước 30 phút, dù được cấp cứu ép tim 40 phút, nhịp đập trở lại nhưng cả 3 sau đó đều tử vong.

Nhân dịp nghỉ 2/9, 3 trẻ được anh Phạm Văn T. ở xã Yên Định, Sơn Động, Lục Ngạn dẫn ra bãi sông tắm, trong lúc không để ý, cả 3 cháu nhỏ bị nước cuốn trôi.

Trong đó bé trai Phan Văn Thái S., 7 tuổi, quê ở Hải Dương, cháu ruột anh T. tử vong ngay khi đưa đến trạm y tế xã; 1 ngày sau, cháu Phạm Hồ Như Q., 9 tuổi, con gái lớn anh T. tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Riêng cô con gái út là Phạm Hồ Thanh T., 7 tuổi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu với hy vọng “còn nước còn tát” nhưng do tình trạng quá nặng, chiều 6/9, gia đình đã xin đưa cháu về nhà để lo hậu sự.

“Thực sự đây là câu chuyện quá thương tâm và đáng tiếc. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng không thể cứu được cháu”, BS Dũng chia sẻ.

Trường hợp khác là bé trai 8 tuổi ở Lào Cai, được chú dẫn đi nghỉ dưỡng. Khi đến resort, chú cho cháu cùng con trai 4 tuổi xuống ô tô trước đi gửi xe. Khi quay lại, người chú không thấy cháu đâu, khi hỏi con trai, cậu bé liền chỉ tay xuống khu vực hồ bơi.

Khi chạy lại, bé trai đã chìm dưới đáy hồ, cháu bé sau đó được chuyển xuống Hà Nội điều trị tích cực nhưng không qua khỏi.

May mắn hơn 4 trường hợp trên cháu K.T.T., 13 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội. Ngày 3/9 vừa qua, T. đi chơi cùng bạn bè, dù không biết bơi nhưng T. vẫn nhảy xuống hồ sen và bị đuối nước.

May mắn bé trai được phát hiện kịp thời, sau khi sơ cứu được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ứng Hoà cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê, thở máy, đặt nội khí quản.

 

Bé T. may mắn được phát hiện kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên phổi vẫn còn tổn thương, cần theo dõi tiếp

Sau 2 ngày điều trị tích cực, trẻ tỉnh táo dần, đến ngày 6/9 bắt đầu cai thở máy, rút nội khí quản. Hiện bệnh nhi đã có thể tự thở, tỉnh táo hoàn toàn nhưng phổi vẫn còn tổn thương.

Theo BS Dũng, trong 4 ca tử vong nói trên, chỉ cần người lớn sát sao, để ý đến trẻ hơn một chút, hoàn toàn có thể tránh được tai nạn đáng tiếc.

Với các ca đuối nước, bác sĩ Dũng cho biết có một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch thì người lớn túm tụm lại nói chuyện hay tập trung vào điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Dù đã được truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương được sơ cứu đúng cách.

“Một nửa trường hợp còn lại vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ”, BS Dũng cảnh báo.

Cách cấp cứu đúng là ngay khi vớt trẻ lên, cần đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt.

Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần, với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ.

Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực.

Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.

(Theo Vietnamnet)

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em