Trang chủ » Nghiên cứu khoa học » Cắt thùy phổi trẻ em bằng nội soi lồng ngực: kinh nghiệm với 36 trường hợp

Cắt thùy phổi trẻ em bằng nội soi lồng ngực: kinh nghiệm với 36 trường hợp

 Nhóm tác giả:

Nguyễn Thanh Liêm, Tô Mạnh Tuân, Nguyễn Quang Ứng

Tóm tắt

Mục tiêu: Báo cáo kết quả ban đầu phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi cho trẻ em.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu các trường hợp đã phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 2 năm 2006 đến tháng 7 năm 2009

Kết quả: Trong thời gian nghiên cứu đã có 35 trường hợp được phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi hoàn toàn. 1 trường hợp có chuyển mở 1 do chảy máu trong mổ. Tuổi trung bình 58 tháng (1-180 tháng). Thời gian phẫu thuật trung bình: 135 phút (60-310 phút). Số ngày điều trị sau mổ trung bình:10 ngày (4-25 ). 7 phẫu thuật cắt thùy trên phải, 5 thùy giữa phải, 11 thùy dưới phải, 3 thùy trên trái, 10 thùy dưới trái, trong đó có 1 trẻ phẫu thuật cắt thùy trên và dưới phải cùng 1 lần. Thương tổn giải phẫu bệnh: 33 trường hợp là dị dạng nang tuyến bẩm sinh (CCAM), 2 ứ khí thùy phổi khổng lồi, 1 ho ra máu do dị dạng mạch máu.

Kết luận: Phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi ở trẻ em là kỹ thuật an toàn và có tính khả thi cao.

I. Đặt vấn đề

Cắt  thùy phổi bằng nội soi lồng ngực được Rothenberg thực hiện lần đầu tiên năm 1995 (5). Mặc dù kỹ thuật đã được một số trung tâm ứng dụng nhưng do nhiều khó khăn nên vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá mức độ khả thi và kết quả ban đầu của phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Số liệu thu thập từ hồ sơ bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt thùy phổi nội soi tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 2 năm 2006 đến tháng 7 năm 2009

Kỹ thuật: Bệnh nhân được gây mê với thông khí một phổi, nằm nghiêng qua bên đối diện 90 độ, đường vào với với 3 trocal 5mm. hay 2 trocal 5mm với 1 trocal 10mm với trẻ lớn có thương tổn lớn. Tạo khoang làm việc với áp lực CO2 4mm Hg, lưu lượng 11/phút. Clips 5-10mm được dùng cho các mạch máu, nhánh phế quản.

III. Kết quả

36 (16(44%) nữ, 20 nam) trẻ được phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi.

35/36 bệnh nhân đến với viện với viêm đường hô hấp tái diễn. Có 1 trẻ có chẩn đoán trước sinh, được theo dõi, phẫu thuật tuần 4 sau đẻ.

Tuổi trung bình 58 tháng (1-180 tháng)

Thời gian phẫu thuật trung bình 135 phút (60-310 phút).

Một trẻ (2%) phải chuyển phẫu thuật thường quy do tai biến chảy máu trong phẫu thuật nội soi.

Số ngày điều trị sau phẫu thuật trung bình 10 ngày (4-25 ngày)

Chẩn đoán bao gồm: dị dạng nang tuyến bẩm sinh ( CCAM) 33 bệnh nhân, ứ khí thùy phổi khổng lồ  2 bệnh nhân, dị dạng mạch máu phổi 1 bệnh nhân.

Vị trí thùy phổi bị cắt được trình bày qua bảng 1

Bảng 1: Thùy phổi cắt

Thùy phổi

 

Số lượng

 

Tỷ lệ (%)

 

Trên phải

7

19

Giữa phải

5

13

Dưới phải

11

30

Trên trái

4

11

Dưới trái

10

27

Cộng

37

 

100

 

IV. Bàn luận

Kể từ năm 1979 khi Rodgers, lần đầu tiên tiến hành nội soi lồng ngực ở trẻ em đến nay phẫu thuật nội soi lồng ngực đã được áp dụng ở nhiều trung tâm.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cắt thùy phổi bằng nội soi lồng ngực là một phẫu thuật có thể thực hiện với tỉ lệ thành công cao. Trong số 34 bệnh nhân chỉ có 1 trường hợp phải chuyển mổ do clip bị tụt khi cặp động mạch phổi. Tỉ lệ thành công trong một số báo cáo khác cũng rất cao: 43/45 trường hợp của Rothenberg, 14.14 trường hợp của Albanese và 6/6 trường hợp của Cano(1,3,5)

Kế quả của chúng tôi cũng cho thấy phẫu thuật cắt thùy phổi bằng nội soi lồng ngực là phẫu thuật an toàn ở trẻ em. Chúng tôi không có bệnh nhân nào tử vong. Biến chứng sau mổ thấp. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy không có tử vong và biến chứng sau mổ thấp.

Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi là phẫu tích và xử lí các mạch máu của thùy phổi. Nên bắt đầu phân tích và cắt động mạch phổi trước khi xử lý tĩnh mạch phổi để tránh xung huyết phổi gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Mạch máu phổi có thẻ xử lí bằng dao hàn mạch hoặc clip. Chúng tôi cho rằng có thể cặp các mạch máu phổi bằng clip có khóa (hemolock). Đây là loại clip an toàn. Chúng tôi bị một trường hợp chảy máu do dùng clip thông thường. Càn phẫu tích bộc lộ từng mạch máu như trong mổ mở, bóc tách để có 1 đoạn mạch máu tự do đủ dài để cặp clip hoặc cho dao hàn mạch qua. Nên phẫu tích đến các nhánh nhỏ thay vì cặp cắt ở nguyên ủy nơi mạch máu có kích thước to.

Khó khăn thứ hai trong phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi ở trẻ em là phải làm xẹp phổi bên phẫu thuật nhưng vẫn duy trì được các chỉ số sống. Gây mê bằng thông khí một phổi thực hiện dễ dàng ở người lớn nhưng lại khó khăn ở trẻ em.  Chúng tôi đã sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để làm thông khí một phổi như block 1 phế quản gốc bằng bóng hoặc đặt ống nội khí quản sang bên đối diện. Để tránh CO2 máu tăng cao chúng tôi duy trì áp lực CO2 ở mức 4mm Hg và lưu lượng 11/phút như một số tác giả đã khuyến cáo (1.5)

Chuyên mục: Nghiên cứu khoa học

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em