Trang chủ » Đào tạo » Chuyên gia Mỹ hỗ trợ tập huấn cán bộ tuyến cơ sở về trẻ tự kỷ

Chuyên gia Mỹ hỗ trợ tập huấn cán bộ tuyến cơ sở về trẻ tự kỷ

Trước thực trạng nhiều cán bộ y tế tuyến dưới còn thiếu kiến thức và kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho trẻ tự kỷ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ Medrix (Hoa Kỳ) xây dựng và triển khai Chương trình tập huấn “Định hướng đánh giá và can thiệp sớm cho trẻ em mắc rối loạn tự kỷ”. 20 học viên tham gia chương trình là bác sĩ, điều dưỡng đến từ các bệnh viện tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội...

Mục tiêu của chương trình là trang bị cho cán bộ y tế tuyến cơ sở những kỹ năng cơ bản như: chủ động thực hiện việc sàng lọc và phát hiện sớm trẻ tự kỷ; tham gia can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ ở giai đoạn vàng (giai đoạn trẻ từ 24-36 tháng, hoặc thời điểm phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh); có kiến thức để đào tạo cha mẹ trẻ tự kỷ biết cách can thiệp sớm cho con tại nhà và biết cách đánh giá sự tiến triển của bệnh trong quá trình can thiệp tại gia đình.

Khóa đào tạo diễn ra trong 11 ngày với 6 hướng dẫn viên lý thuyết và 2-3 hướng dẫn viên thực hành. Các cán bộ giảng dạy trong chương trình đều là các bác sĩ, chuyên gia tâm lý có thời gian dài làm việc với gia đình và trẻ mắc chứng tự kỷ tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về cách can thiệp để giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập với cộng đồng tại khoa Tâm thần – bệnh viện Nhi Trung ương

Ths.Bs CKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận xét: “Tại nhiều địa phương, chương trình giáo dục cho trẻ tự kỷ còn chưa có sự thống nhất, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác tâm lý còn hạn chế và chưa đồng đều, nên vấn đề can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện các cơ sở y tế tuyến dưới chưa có mô hình can thiệp sớm và đào tạo cho cha mẹ trẻ tự kỷ. Đây là chương trình đào tạo chuyên sâu và toàn diện nhất từ trước tới nay cho cán bộ tuyến cơ sở về sàng lọc và can thiệm sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Quá trình chẩn đoán bệnh tự kỷ rất phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của một nhóm các nhà chuyên môn gồm bác sỹ nhi khoa, bác sỹ chuyên khoa tâm thần, cán bộ tâm lý, điều dưỡng và một số cán bộ y tế khác. Hiện nay nước ta mới có rất ít bệnh viện, trung tâm có đầy đủ chuyên gia tham gia vào quá trình chẩn đoán, điều trị can thiệp trẻ tự kỷ.

Các trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục cho trẻ tự kỷ tuy mở ra ngày càng nhiều, môi trường giáo dục tương đối tốt, song chủ yếu mới tập trung vào công tác chăm sóc và chỉ có mặt ở một số thành phố lớn. Đó là chưa kể chi phí tham gia hoạt động tại các trung tâm này cũng còn cao so với thu nhập của người dân.

Theo bác sỹ Thành Ngọc Minh, đến nay nguyên nhân dẫn tới rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Bước đầu các nhà khoa học cho rằng căn bệnh này liên quan đến vấn đề di truyền, quá trình mang thai và môi trường sống.

Rối loạn phổ tự kỷ chưa có thuốc điều trị. Hiện mới có thuốc điều trị các rối loạn đi kèm như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn hành vi, cơn xung động…

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ được đưa vào thực hành, tuy nhiên các bằng chứng khoa học đều chỉ ra rằng trẻ tự kỷ cần được can thiệp giáo dục đặc biệt một cách thường xuyên và liên tục. Can thiệp giáo dục đặc biệt là biện pháp có hiệu quả cao, giúp trẻ phát triển các kỹ năng và hòa nhập cộng đồng.

Khánh Chi

Chuyên mục: Đào tạo, Hợp tác quốc tế

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em