Trang chủ » Y học thường thức » Chuyến xe lưu động trong đêm giành sự sống cho bé gái viêm cơ tim cấp ở Phú Thọ

Chuyến xe lưu động trong đêm giành sự sống cho bé gái viêm cơ tim cấp ở Phú Thọ

Điểm đến lần này là Bệnh viện đa khoa Phú Thọ nơi bệnh nhi Trần Thảo Linh 8 tuổi đang nguy kịch do viêm cơ tim cấp

Tối  ngày 22/10, chiếc xe cấp cứu lưu động chở nhóm bác sĩ trực hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương cấp tốc lên đường. Điểm đến lần này là Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, cách Hà Nội gần 100km, nơi bệnh nhi Trần Thảo Linh 8 tuổi đang nguy kịch do viêm cơ tim cấp, suy thở và  suy tuần hoàn.

Ảnh BN viêm cơ tim

Cháu Linh tại bệnh viện đa khoa Phú Thọ 

Vừa hội chẩn qua điện thoại, vừa điều phối nhân lực gửi đi cấp cứu bệnh nhân

Ngày 16/10, bé Linh được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa Phú Thọ do đau bụng từng cơn. Tại đây, các bác sĩ đã cho cháu chụp X-quang, siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết nhưng không tìm ra nguyên nhân đau bụng. Trong thời gian điều trị, ngày 22/10 bé Linh đột nhiên đau bụng tăng lên. Sau khi được  các bác sĩ bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho truyền dịch và sử dụng thuốc giảm đau, bé Linh bỗng co rúm người lại, tím tái toàn thân. Các bác sĩ đã nhanh chóng sơ cứu nhưng tình hình không cải thiện. Trước tình huống đó, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ngay lập tức gọi điện nhờ tới sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp nhận thông tin về cháu Linh, Tiến sĩ-bác sĩ Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương một mặt tích cực hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ các thao tác xử trí qua điện thoại: cho đặt nội khí quản, thở máy và điều trị chống sốc. Mặt khác, bác sĩ Tuấn khẩn trương xin ý kiến Ban giám đốc bệnh viện cử kíp cấp cứu cùng trang thiết bị máy móc lên đường cấp cứu bệnh nhân. Chiếc xe thần tốc vượt đoạn đường gần 100km và cán đích khi đồng hồ vừa điểm 10 giờ tối.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Đậu Việt Hùng-người được cử xuống hỗ trợ đã tiếp tục tiến hành hồi sức cấp cứu: đặt tĩnh mạch trung tâm và triển khai lọc máu liên tục cho cháu Linh.

Kết quả các xét nghiệm và diễn biến lâm sàng như: đau bụng, sốc, suy tim, phù phổi hướng bác sĩ nghĩ tới khả năng bé Thảo Linh mắc bệnh lý về viêm cơ tim. Kết quả siêu âm tim, các chỉ số men tim tăng cao đã khẳng định chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ. Từ lúc đó, Linh được điều trị theo hướng viêm cơ tim.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bé đã tiến triển khả quan: nước tiểu tốt, cai được lọc máu, chỉ số máy thở giảm nhiều. Tuy đã tỉnh, nhưng chức năng co bóp tim của bệnh nhi vẫn rất kém và phải sử dụng thuốc trợ tim với liều lượng thấp.

Nhận định tình trạng sức khỏe của cháu bé với bệnh viêm cơ tim diễn biến còn phức tạp, cần được điều trị lâu dài, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương một lần nữa cử thêm ê-kip gồm 1 bác sĩ hồi sức và 1 điều dưỡng phối hợp cùng nhóm cấp cứu ban đầu vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

2 ngày được các bác sĩ tích cực can thiệp tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe bé Linh đã cải thiện rõ rệt: bé cai được máy thở, rút ống nội khí quản  và dần bình phục trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Nơi gửi gắm niềm tin của người dân

Người phụ nữ với gương mặt hốc hác sau một tuần đứng ngồi không yên bên ngoài hàng lang buồng cấp cứu là chị Phương, mẹ bé Linh. Đưa tay chặn lên ngực để kìm nén sự bồi hồi, chị xúc động chia sẻ: “7 ngày trôi qua mà với tôi dường như dài cả thế kỷ. Đã có những lúc gia đình tuyệt vọng tưởng mất con. Tôi thấy con mình thật may mắn vì các bác sĩ bệnh viện Nhi đã kịp thời có mặt. Dù không có chuyên môn về y khoa, nhưng tôi cũng nhận thấy bé Linh đã cải thiện rõ rệt. Không biết phải diễn tả cảm xúc thế nào. Chỉ biết nói cảm ơn các bác sĩ thôi”.

Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn cho biết, từ khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh nhằm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến thì những chuyến công tác dài ngày đến các bệnh viện vệ tinh, những cuộc hội chẩn khẩn cấp qua điện thoại và xuống trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã trở nên rất quen thuộc với các bác sĩ. “Dù công việc tại khoa rất bận rộn, nhưng khi gặp trường hợp bệnh nhân nặng ở xa, bằng mọi giá chúng tôi vẫn thu xếp đi ngay. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn và cứu sống các cháu”

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Lê Mai

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em