Trang chủ » Cơ cấu tổ chức » Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh

Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh

1. Thông tin hành chính

  • Tên: “Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh” (Neonatal Intensive Care Unit)
  • Địa chỉ: 18/879 đương La Thành, phương Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
  • Điện thoại: (84-024) 6273 8945
  • Email: k.sosinh@nch.org.vn

2. Lịch sử thành lập khoa

Khoa Sơ Sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập từ năm 1969 với tên gọi Phòng Sơ sinh – thuộc Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em tại tầng 2 tòa nhà hai tầng của Bệnh viện Bạch Mai do BS Hà Thị Tư, là trưởng khoa. Cơ sở vật chất của khoa lúc đó rất nghèo nàn: 10 giường bệnh sơ sinh, 3 lồng ấp cũ, không có máy thở hay trang thiết bị nào đáng kể.

Là một đơn vị đầu ngành về sơ sinh lúc bấy giờ , tuy nhiên trang thiết bị y tế nghèo nàn, ban đầu chỉ có 01 máy thở Lusco, 03 lồng ấp, hàng năm nhận điều trị 200-300 bệnh nhân, hầu hết thở máy là ngạt uốn ván rốn, đẻ non, tỷ lệ tử vong còn cao, trên 50% trong 24 giờ đầu nhập viện

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, khoa vẫn tiếp nhân bệnh nhân ở nơi sơ tán, cùng tham gia công cuộc chống Mĩ của dân tộc. Năm 1975 đất nước thống nhất, khoa trở về cơ sở cũ tại bệnh viện Bạch Mai, tiếp tục làm việc trong hoàn cảnh khó khăn thời bao cấp. Tuy nhiên trong năm 1975 ca thay máu do vàng da tăng bilirubin đầu tiên đã tiến hành tại Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em, gây một tiếng vang lớn tại Việt nam, lần đầu tiên tại Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em đã rửa được hồng cầu và chuẩn bị máu thay và tiến hành thay máu thành công, tiến tới đưa kỹ thuật này vào điều trị thường quy.

Năm 1980, với cương vị Phó giám đốc, Trưởng khoa Sơ sinh Bác sĩ Hà thị Tư đã đi công tác tại Đà nẵng và chuyến bay định mệnh đã cướp đi sinh mạng của người bác sĩ tài hoa, đầy nhiệt huyết này.

Từ 1980, BS chuyên khoa 2, sau này là PGS.TS. Tô Thanh Hương đã tiếp tục sự nghiệp của BS Hà thị Tư, dưới sự lãnh đạo của các tiền bối, khoa sơ sinh ngày càng chiếm vị thế và mở rộng qua các thời kỳ.

Năm 1981 Khoa Sơ sinh đã được chuyển lên cơ sở mới với tên gọi là Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh , Bệnh viện Nhi Thụy Điển, công trình Bệnh viện hiện đại đầu tiên do chính phủ và nhân dân Thụy điển trao tặng cho trẻ em Việt Nam. Nhiều kỹ thuât mới được ứng dụng , tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều , đặc biệt tử vong do uốn ván ở trẻ sơ sinh.

Năm 1998, sau khi PGS Hương nghỉ hưu. BS chuyên khoa II, sau này là PGS, TS Khu thị Khánh Dung người bước tiếp sự nghiệp của các bậc tiền bối làm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Với quy mô mở rộng số giường bệnh ngày càng tăng cao, số giường kế hoạch tăng dần hiện nay là 180 giường, tuy nhiên hàng năm số bệnh nhân và hiệu suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức cao 180- 190%. Hàng năm tiếp nhận 5000 -6000 bệnh nhân sơ sinh vào viện.

Từ năm 1991 tới nay, kết thúc giai đoạn viện trợ của Thuỵ Điển cùng với Viện Nhi khoa Sơ Sinh đã khắc phục khó khăn, tìm kiếm các nguồn tài trợ, hợp tác khác để tiếp tục duy trì, nâng cao, hoàn thiện các trang thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu điều trị, nghiên cứu khoa học của thời kỳ đổi mới. Các phương tiện hiện đại như các loại máy thở, máy chụp X quang tại giường, máy siêu âm tại giường, máy đo khí máu…đã được đưa vào sử dụng nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Từ 2003 đến nay Tỷ lệ tử vong trong vòng 24 giờ giảm đáng kể từ gần 40% năm 2003 đến nay chỉ còn 13,5%. Tỷ lệ tử vong chung cũng giảm từ 30% những năm 1980 xuống còn 15,2% năm 2018.

Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng 100% là cán bộ nữ nhưng đều luôn cố gằng phấn đấu ngày một tăng cao cả về số lượng và trình độ. Hiện nay khoa sơ sinh có 120 CBCNV, trong đó: 20 bác sĩ (01 PGS.TS, 02 BS CKII, 14 Thạc sĩ, 04 BS). Tất cả các Bác sĩ đã theo học Neonatology fellow của UK level I chuyên ngành Sơ sinh đã được cấp chứng nhận của UK, và một số Bác sĩ đang theo học level II của chương trình này .

Đội ngũ diều dưỡng 94, 60% là điều dưỡng đại học, cao đẳng. Các kỹ năng và trình độ được nâng cao, kỹ thuật đặt longline, catheter trung tâm, đo HA xâm nhập được thực hiện thường quy tại khoa. Tổng số Đảng viên trong khoa 21 đảng viên.

Trang thiết bị y tế được tăng cường khoa được trang bị 50 máy thở thường và cao tần, 20 máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) , 60 máy đo độ bão hòa oxy qua da ( Pulse oximeter) 01 Xquang tại giường, 01 máy siêu âm, máy sàng lọc thính học và nhiều trang thiết bị khác

Khoa HSCCSS đã áp dụng những kỹ thuật cao trong điều trị như thở HFO, NO , surfactant, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt bảo vệ não … điều trị đã cứu sống được nhiều bệnh nhân đẻ non, tăng áp phổi, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, ngạt nặng góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh một cách đáng kể
2011 lần đầu tiên là nơi có bệnh nhân mổ thoát vị hoành tại giường dưới máy thở cao tần.

Lãnh đạo khoa qua các thời kỳ :

  • 1969- 1980: BS Hà Thị Tư
  • 1980 – 1998: PGS. TS Tô Thanh HươngÔ
  • 1998 – 2016: PGS. TS. Khu thị Khánh Dung
  • 2016 – nay: BS CKII. Lê Thị Hà

3. Chức năng, nhiệm vụ

Hàng năm đón nhận và điều trị số lượng bệnh nhân lớn (hơn 5000 bệnh nhân), quá tải 180%. Mặc dù bệnh nhân đông và nặng nhưng tập thể khoa vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và điều trị không để xảy ra sai sót. Khoa luôn được gia đình bệnh nhân tín nhiệm và hợp tác để công việc khám chữa điều trị bệnh nhân đạt hiệu quả tốt nhất.

3.1 . Chức năng

Khoa HSCC Sơ sinh là khoa lâm sàng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về hoạt động chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bệnh lý, cũng như khám và tư vấn cho trẻ sơ sinh.

3.2 . Nhiệm vụ

• Khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ở lứa tuổi sơ sinh từ các tuyến chuyển về
• Giảng dạy, đào tạo cho sinh viên y khoa và các đối tượng bác sĩ sau đại học đến học tại khoa. Đào tạo BS và điều dưỡng cho các tuyến
• Nghiên cứu khoa học; Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động chuyên ngành SS ở các tuyến dưới. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe và chăm sóc khách hàng
• Phối hợp với các Trung tâm Đào tạo liên tục và Chỉ đạo tuyến của bệnh viện xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tạp huấn về hoạt động truyền thông và chăm sóc khách hàng cho các đối tượng có nhu cầu

4. Một số thành tích
4.1. Thành tích chuyên môn

– Cứu sống nhiều bệnh nhân nặng mắc bệnh: Suy hô hấp do màng trong ở trẻ đẻ non, các bệnh nhân thở máy, nhiễm trùng máu, viêm ruột hoại tử …
– Áp dụng triển khai các kỹ thuật mới như: điều trị hội chứng màng trong ở trẻ sinh non bằng bơm surfactant, điều trị tăng áp phổi bằng thuốc, bằng khí NO, đặt longline nuôi dưỡng TM, đo HA xâm nhập, Lọc máu cho bệnh nhân rối loạn chuyển hóa, suy thận nặng…
– Cứu sống nhiều bệnh nhân nặng giảm tỷ lệ tử vong rõ rệt.
– Tinh thần vượt khó chủ động sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

+ Mặc dù khoa luôn trong tình trạng quá tải, nhân lực thiếu nhưng vẫn duy trì chế độ ca kíp để phục vụ bệnh nhân được tốt đồng thời tinh thần trách nhiệm, y đức luôn được đề cao.
+ Nhiều đề tài khoa học mang tính sáng tạo được nỗ lực thực hiện để phục vụ bệnh nhân: nghiên cứu sử dụng Surfactant trong điều trị bệnh màng trong, điều trị bệnh còn ống động mạch, bệnh xuất huết não ở trẻ đẻ non.
+ Công tác chỉ đạo tuyến ở các tỉnh xa, đào tạo liên tục cho các đợt bác sĩ, điều dưỡng về nâng cao trình độ cũng đòi hỏi tập thể khoa sự kiên trì, nhẫn nại để giúp đỡ cho các đồng nghiệp

– Liên tục nhiều năm liền đạt Tập thể lao động suất sắc:

+ Năm 1999 (QĐ số 995/QĐ-BYT ngày 29/3/2000);
+ Năm 2000 (QĐ số 687/QĐ-BYT ngày 07/3/2001);
+ Năm 2001 (QĐ số 531/QĐ-BYT ngày 25/02/2002);
+ Năm 2002 (QĐ số 1988/QĐ-BYT ngày 12/6/2003);
+ Năm 2003 (QĐ số 2290/QĐ-BYT ngày 30/6/2004);
+ Năm 2004 (QĐ số 689/QĐ-BYT ngày 18/3/2005);
+ Năm 2006 (QĐ số 3532/QĐ-BYT ngày 19/9/2007);
+ Năm 2007 (QĐ số 2329/QĐ-BYT ngày 30/6/2008);
+ Năm 2008 (QĐ số 2345/QĐ-BYT ngày 30/6/2009);
+ Năm 2009 (QĐ số 1736/QĐ-BYT ngày 24/5/2010);
+ Năm 2010 (QĐ số 2953/QĐ-BYT ngày 15/8/2011);

– Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Y tế:

+ Năm 1996 (QĐ số 1435/QĐ-BYT ngày 27/8/1996);
+ Năm 2003 (QĐ số 1051/QĐ-BYT ngày 28/4/2004);
+ Năm 2004 (QĐ số 4518/QĐ-BYT ngày 21/11/2005);
+ Năm 2005 (QĐ số 992/QĐ-BYT ngày 22/3/2006);
+ Năm 2006 (QĐ số 2720/QĐ-BYT ngày 23/7/2007);
+ Năm 2008 (QĐ số 2208/QĐ-BYT ngày 19/6/2009);
+ Năm 2009 (QĐ số 1966/QĐ-BYT ngày 08/6/2010);
+ Năm 2010 (QĐ số 2723/QĐ-BYT ngày 29/7/2011).

– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (QĐ số 1922/QĐ-TTg ngày 21/10/2010);
– Huân chương lao động Hạng Ba (QĐ số 245KT/CTN ngày 14/7/1999);
– Huân chương Lao động Hạng Nhì (QĐ số 204/2006/QĐ-CTN ngày 15/02/2006);

4.2. Thành tích về đào tạo, nghiên cứu khoa học
4.2.1. Đào tạo

Từ năm 1985 tới nay tập thể BS trong khoa đã tham gia hướng dẫn thực hành sinh viên Y4, Y6 nhiều khóa. Một số BS trong khoa đồng thời là giảng viên thỉnh giảng nhiều năm của Bộ môn Nhi Đại học Y khoa Hà nội , tham gia giảng dạy thực hành, lý thuyết cho các đối tượng sau đại học về chuyên ngành Nhi Sơ sinh như Chuyên khoa I, II và Nghiên cứu sinh. Tham gia đào tạo, cầm tay chỉ việc cho các đối tượng sau đại học, tham gia đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ y tế từ các tuyến tỉnh và huyện trong cả nước về học.Tham gia đào tạo Điều dưỡng chuyên khoa Nhi .
– Tham gia viết sách chuyên ngành và hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế

4.2.2. Nghiên cứu khoa học

Tập thể BS khoa đã tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, công bố 70 bài báo khoa học. Trong số các bài báo này, có 44 bài được công bố tại các tạp chí khoa học trong nước và 17 bài được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã tham gia và chủ trì
Tham gia nghiên cứu 5 đề tài cấp Nhà nước ( đã nghiệm thu)

– Chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp
– Nghiên cứu lựa chọn tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình cấp cứu nhi khoa phù hợp các tuyến nhằm giảm tỷ lệ tử vong trong 24 giờ đầu
– Nghiên cứu thực trạng, các yếu tố nguy cơ, phương pháp chẩn đoán, điều trị và đề xuất biện pháp dự phòng xơ hóa cơ Delta ở Việt Nam
– Phát hiện và điều trị sớm các rối loạn axit amin, axit béo bằng phương pháp sắc ký khí và phép chụp quang phổ khối nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật cho trẻ em
– Sàng lọc trẻ sơ sinh phát hiện sớm giảm thính lực, đề xuất biện pháp phục hồi chức năng sớm cho trẻ khiếm thính
– Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh ở trẻ em

03 đề tài cấp bộ :

– Nghiên cứu lâm sàng, yếu tố nguy cơ và biện pháp xử lý đối với vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh
– Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị Y tế “ Nghiên cứu ứng dụng CPAP tự tạo điều trị suy hô hấp tại bệnh viện Nhi Trung ương”
– Nghiên cứu áp dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục CPAP-KSE sản xuất tại Việt Nam để điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện Nhi tuyến tỉnh

15 đề tài cấp cơ sở

Số lượng bài báo khoa học đã được công bố

Hiện nay tình hình sức khỏe trẻ em Việt Nam đã dần dần được cải thiện. Tuy nhiên cho dù có sự giảm đáng kể của tỉ lệ tử vong của trẻ em (< 5 tuổi) và tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi thì tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh còn cao và vẫn chưa có chuyển biến tích cực trong phạm vi cả nước. Đây chính là mối quan tâm hàng đầu cho các nhà hoạch định chính sách của đất nước, nhất là của các nhà lãnh đạo ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay mà cụ thể chỉ thị 04 của bộ Y tế đã được ban hành năm 2004 với mục tiêu hạ thấp tỉ lệ bệnh tật và tử vong sơ sinh.

Đứng trước tình hình này, là khoa Hồi sức sơ sinh hàng đầu trong cả nước tập thể khoa luôn mong muốn góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em nước ta, nhất là cho các trẻ sơ sinh, một giai đoạn rất quan trọng của cuộc đời.

Với 70 công trình khoa học đã đều hướng tới mục tiêu :

– Điều tra cơ bản về tình hình sức khỏe và bệnh tật trong cộng đồng ở trẻ em Việt Nam, các bệnh thường gặp, nguy hiểm và gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh Việt Nam.
– Cập nhật các phương pháp điều trị mới góp phần hạ thấp tỉ lệ mắc bệnh và cải thiện chất lượng sức khỏe cho trẻ em Việt Nam đặc biệt là trẻ sơ sinh.
– Sáng chế, chế tạo các loại phương tiện, máy móc trang thiết bị chuyên khoa phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị các bệnh lý sơ sinh thường gặp ở Việt Nam với hiệu quả điều trị cao mà giá thành lại rẻ, có thể áp dụng rộng rãi và trang bị cho các tuyến y tế.

Đặc biệt là đã tập trung đầu tư nghiên cứu sâu về lĩnh vực Nhi sơ sinh, góp phần giải quyết các khó khăn của đơn vị của ngành trong lĩnh vực này, góp phần giảm thiểu tỉ lệ tử vong sơ sinh và tỉ lệ bệnh tật tại bệnh viện. Lĩnh vực đã đầu tư nhiều nhất là vấn đề điều trị suy hô hấp, vàng da sơ sinh với mong muốn góp phần phòng tránh biến chứng “vàng nhân não” cho sơ sinh, môt tình trạng còn khá phổ biến ở Việt Nam.  Trong quá trình nghiên cứu đã có nhiều công trình mang tính sáng tạo cao, có hiệu quả tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Những đóng góp chính của nghiên cứu

* Nghiên cứu về điều trị suy hô hấp sơ sinh

Suy hô hấp là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đặc biệt là trẻ đẻ non. Nguyên nhân chính suy hô hấp của trẻ này là do phổi non bị xẹp, không có khả năng tạo được dung tích cặn chức năng cuối thì thở ra. Nếu như trẻ được hỗ trợ thở bằng Máy tạo áp lực dương liên tục trên đường thở sớm (Máy tạo áp lực dương liên tục viết tắt CPAP- Continue Positive Airway Pressure) là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất cải thiện suy hô hấp ở trẻ đẻ non. CPAP đã được ứng dụng hơn 30 năm tại các nước tiên tiến nhưng tại Việt Nam còn rất thiếu trang thiết bị, ngay cả tuyến trung ương. Làm thế nào để có máy CPAP cho bệnh nhân sử dụng sớm ngay tại tuyến cơ sở là câu hỏi luôn trăn trở trong tôi? Chỉ có cách là sản xuất trong nước mới giải quyết được vấn đề này.

* Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục điều trị suy hô hấp sơ sinh ra đời

Đây là một trong những nghiên cứu mà tôi say mê và có nhiều ý nghĩa thực tiễn trong thời gian công tác của tôi. Năm 2003 chúng tôi, nhóm nghiên cứu gồm một số bác sĩ của khoa cùng sự phối hợp của kĩ sư Y tế người Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu sản xuất CPAP và sau gần hai năm nghiên cứu (2003-2004) CPAP tạo áp lực dương liên tục trên đường thở bằng cột nước ( Bubble-CPAP ) đã ra đời với tên gọi ”Máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh”.

Qua nhiều lần nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ, 8/2004 CPAP đã được ứng dụng tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương. Chúng tôi tiến hành đề tài Nghiên cứu ứng dụng CPAP-KSE tại khoa sơ sinh Bệnh viện nhi trung ương (Tạp chí Y học thực hành – Kỷ yếu công trình NCKH Viện BVSKTE 495, tr 51-55, 2004) với mục đích đánh giá hiệu quả, an toàn tiện ích và tính kinh tế của CPAP-KSE.

Chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 100 trẻ sơ sinh đẻ non cân nặng từ 1500gr – <2500 gr, chọn ngẫu nhiên vào hai nhóm nghiên cứu. Bằng phương pháp nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng giữa máy thở CPAP CF 800 – Drager tạo áp lực dương bằng lò so với CPAP –KSE tạo áp lực dương bằng cột nước.

Kết quả cho thấy tỉ lệ thành công rất cao, 90% ở nhóm nghiên cứu và 86% ở nhóm chứng. Không có trường hợp nào bị tràn khí màng phổi. Máy dễ sử dụng, là phương pháp thở không xâm nhập nên tránh được nhiễm khuẩn bệnh viện. CPAP-KSE thiết kế gọn nhẹ, tiết kiệm oxy không đòi hỏi hệ thống oxy và khí nén trung tâm, tiệt khuẩn dễ dàng, chi phí thấp (giá thành bằng 1/8 giá mua CPAP tại nước ngoài), phù hợp với nhu cầu và điều kiện hạ tầng y tế ở Việt Nam.

Năm 2007 tại QĐ 1215/BB-BYT, Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã thẩm định kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hệ thống máy thở CPAP tự tạo điều trị suy hô hấp tại bệnh viện Nhi Trung ương và đề nghị đưa vào ứng dụng trên cả nước. Tại QĐ 3384/QT- BYT Bộ y tế đã ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật đặt máy trợ thở tạo áp lực dương liên tục (CPAP-KSE) ở trẻ sơ sinh. Quy trình sử dụng này đã được đưa vào chương trình giảng dạy và chuẩn quốc gia chăm sóc trẻ sơ sinh.
CPAP-KSE có ý nghĩa thực tiễn rất lớn giảm tỷ lệ tử vong trong vòng 24 giờ của khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi từ 39,5% (2000) xuống còn 7,5% (2009).

Ưu điểm nhất của CPAP –KSE so với các CPAP nhập ngoại là có thể sử dụng tại các tuyến y tế cơ sở như tuyến huyện, nơi không có hệ thống oxy, khí nén trung tâm. Máy CPAP này có thể sử dụng oxy từ bình (phương tiện phổ biến thở oxy của tuyến huyện và tỉnh). CPAP này có thể kiểm soát được nồng độ oxy của khí thở vào bằng một hệ thống trộn khí gắn trên máy. Với ưu điểm này trẻ đẻ non khi thở CPAP -KSE kéo dài không sợ nguy cơ bị xơ hóa sau võng mạc (ROP) do dùng oxy nồng độ quá cao không được kiểm soát.
PGS, TS Khu Thị Khánh Dung là người đầu tiên triển khai CPAP- KSE tại tuyến huyện và tỉnh. Hiện nay nhiều bệnh viện huyện và 100% khoa sơ sinh của các bệnh viện tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra đã sử dụng CPAP. Kết quả điều trị rất tốt và giảm tỷ lệ chuyển viện một cách đáng kể.

Song song với việc triển khai ứng dụng tại Bệnh viện Nhi, tôi đã tự tìm kiếm nhiều nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để sản xuất hàng loạt tặng cho các bệnh viện. Khoảng 1000 CPAP hiện đã có mặt ở 100% bệnh viện các tỉnh phía Bắc, một số bệnh viện ở thành phố Hồ chí Minh, các tỉnh miền trung (Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam) và miền nam như Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắc Lắc… Năm 2006, kết quả nghiên cứu tại trên 20 bệnh viện sử dụng cho thấy tỷ lệ thành công chung là 90,3%. Đồng thời với việc cung cấp CPAP chúng tôi còn đào tạo tại chỗ hàng trăm cán bộ y tế trực tiếp sử dụng CPAP tại tuyến tỉnh và huyện về cách dùng, chỉ định, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân.

Các thiết bị y tế sản xuất trong nước này hiện cũng được ứng dụng ở một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Đông ti mor …

Một trong những nghiên cứu khác tôi cùng đồng nghiệp tiến hành đã được ứng dụng tại nhiều trung tâm hồi sức sơ sinh trong cả nước hiện nay đó là nghiên cứu :

* Điều trị surfactant thay thế trong bệnh màng trong

Bệnh màng trong (BMT) là một trong nguyên nhân chính gây suy hô hấp ở sơ sinh do thiếu chất hoạt diện (surfactant) ở phổi. Ngoài việc sử dụng CPAP, thở máy trong điều trị suy hô hấp, liệu pháp surfactant thay thế cũng là một phương pháp điều trị tiên tiến nhằm giảm mức độ nặng và tỉ lệ tử vong của bệnh. Điều trị surfactant là một kỹ thuật cao đòi hỏi được tiến hành ở những trung tâm hồi sức có đủ kinh nghiệm về chuyên môn và trang thiết bị y tế. Năm 2003 sau khi đi học tại Australia, tôi đã ứng dụng điều trị tại khoa, hiện nay các bác sĩ tại khoa sơ sinh đã sử dụng thành thạo, tỷ lệ thành công trong điều trị rất cao. Tôi đã hướng dẫn một bác sĩ nội trú bảo vệ thành công đề tài “Bước đầu đánh giá hiệu quả của Surfactant điều trị bệnh màng trong ở trẻ đẻ non tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương”. Với phương pháp nghiên cứu mô tả tiến cứu 60 trẻ sơ sinh được chẩn đoán xác định BMT có chỉ định điều trị Surfactant tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 1/2005 đến tháng 5/2006. Kết quả cho thấy điều trị surfactant làm giảm rõ rệt nhu cầu O2 (FiO2 từ 65.5 và 67.4% xuống 28.9 và 36.3%) và giảm ngay sau 1 giờ điều trị ở cả hai nhóm điều trị và nhóm chứng. Điều trị surfactant sớm làm giảm thời gian thở máy và thở oxy của bệnh nhân BMT. Surfactant thay thế làm tăng chỉ số a/APO2 ( từ 0.312 và 0.208 trước điều trị lên 0.625 và 0.428 sau điều trị) phản ánh sự cải thiện quá trình trao đổi khí ở phổi. Sau điều trị surfactant, áp lực đường thở trung bình (MAP) giảm ( p <0.05 ). Kết luận sử dụng Surfactant sớm ở trẻ đẻ non BMT làm cải thiện đáng kể chức năng phổi, làm giảm mức độ nặng và thời gian điều trị. Đề tài đã đưa ra được quy trình bơm surfactant và cách sử trí các biến chứng.

Hiện nay kỹ thuật này được chuyển giao cho nhiều bệnh viện tỉnh, nơi có khả năng về hồi sức sơ sinh tốt và đầy đủ trang thiết bị cần thiết như Saint Paul, Bệnh viện phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh viện Thanh Nhàn, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và nhiều trung tâm Sơ sinh khác.
Ngoài ra, khoa đã sáng tạo và áp dụng triển khai hoàn thiện các quy trình kỹ thuật thay máu tự động,, thở máy cao tần (HFO), áp dụng phác đồ mới trong điều trị điều trị tăng áp lực phổi, bệnh phổi mãn tính. Việc phát triển các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý về hô hấp vừa giúp công tác điều trị bệnh nhân đạt kết quả cao, vừa giúp phát triển nghiên cứu khoa học, đã có nhiều luận văn bác sĩ chuyên khoa II và luận văn cao học, nội trú được thực hiện và bảo vệ thành công.

Sau khi đã nắm vững và triển khai thành công các kỹ thuật này tại bệnh viện Nhi tôi đã triển khai một số kỹ thuật trên tại một số tỉnh như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Uông Bí, Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay các bệnh viện đó đều đã có thể áp dụng thành thạo các kỹ thuật trên và đạt kết quả tốt.

* Vàng da tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Vàng da là một bệnh phổ biến ở sơ sinh chiếm 50% ở trẻ đủ tháng và 70% ở trẻ đẻ non và thường bị phát hiện muộn. Vàng da tăng bilirubine gián tiếp cao rất nguy hiểm gây biến chứng vàng nhân não Việc chẩn đoán và xử trí kịp thời là điều kiện tiên quyết để cứu tương lai và cuộc sống của trẻ, tránh được các di chứng thần kinh nặng nề. Năm 2005, trong đề tài nghiên cứu cấp bộ do tôi làm chủ nhiệm Nghiên cứu lâm sàng, yếu tố nguy cơ và biện pháp xử lý đối với vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu tiến cứu 615 trường hợp vàng da từ 8/2003-8/2005, với cách lấy mẫu thuận tiện. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ vàng da 18% trẻ nhập viện, 22% phải thay máu và có tới 14% số này vào viện muộn trong tình trạng vàng nhân não. Yếu tố nguy cơ liên quan đến vàng da là trẻ trai, đẻ non cân nặng thấp, đa hồng cầu, nhiễm khuẩn, bất đồng ABO, Rh (-), thiếu men G6PD. Hầu hết chưa tìm được nguyên nhân. Từ nghiên cứu này đã ứng dụng bảng phân vùng vàng da theo cơ thể của KRAMER để phát hiện mức độ vàng da cho trẻ sơ sinh đủ tháng trên lâm sàng giúp cho các cơ sở y tế nơi không có điều kiện làm bilirubin trong máu dễ dàng chẩn đoán và có chỉ định điều trị kịp thời. Nghiên cứu này cũng đã đưa ra được qui trình chẩn đoán vàng da tăng bilirubine gián tiếp ở trẻ sơ sinh và đề xuất áp dụng tiêu chuẩn chiếu đèn, thay máu cho các tuyến. Tìm hiểu được một số nguyên nhân và yếu tố liên quan đến vàng da giúp cho các thày thuốc lâm sàng có biện pháp phòng và phát hiện sớm vàng da để điều trị kịp thời.
Có hai đề tài luận văn được bảo vệ đã sử dụng một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ.

* Điều trị vàng da bằng đèn rạng đông ánh sáng xanh sản xuất tại Việt nam

Năm 2007 tại Viện Nhi Trung ương có 250 trẻ vàng da phải thay máu trên tổng số 1200 trẻ vàng da nhập viện. Cùng năm tại Bệnh viện Từ Dũ có tới 5000 trẻ sơ sinh vàng da có nhu cầu chiếu đèn. Hầu hết các trẻ thay máu đều do không được điều trị chiếu đèn sớm. Một khó khăn cho các tuyến địa phương là đèn chiếu điều trị vàng da không có sẵn, đèn này đều phải nhập ngoại, và khó nhất là bóng đèn chiếu vàng da là đặc chủng, rất đắt và cũng phải nhập khẩu. Tôi đã cùng nhóm nghiên cứu tìm tòi và phát hiện bóng đèn Rạng đông ánh sáng xanh sản xuất tại Việt Nam có bước sóng 450 nm, mật độ ánh sáng 10microW/cm2 phù hợp với thông số kỹ thuật của bóng đèn Philip đặc chủng để điều trị vàng da. Bóng đèn này đảm bảo về yêu cầu kĩ thuật, có thể dùng để điều trị vàng da, an toàn và tiện lợi. Chúng tôi đã ứng dụng điều trị và đã hướng dẫn một bác sĩ chuyên khoa II bảo vệ thành công luận văn về lĩnh vực này năm 2008

Đề tài: Nghiên cứu hiệu quả điều trị vàng da tăng bilirubin gián tiếp bằng đèn rạng đông ánh sáng xanh cho trẻ sơ sinh đủ tháng tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng trên 60 trẻ được chẩn đoán vàng da có chỉ định chiếu đèn theo tiêu chuẩn của Hội nhi khoa Hoa kỳ 2004, trong đó nhóm nghiên cứu dùng đèn chiếu ánh sáng xanh Rạng đông bước sóng 450 nm, mật độ ánh sáng trên da 12 microwatte/cm2, nhóm chứng dùng đèn chiếu ánh sáng xanh của Philip, bước sóng 460 nm, mật độ ánh sáng trên da 16 microwatte/cm2, công suất đèn và số bóng như nhau. Khoảng cách từ đèn tới bệnh nhân 50cm. Kết quả cho thấy , tỉ lệ thành công 100%, không có bệnh nhân nào phải thay máu. Nồng độ bilirubin giảm đáng kể ở các thời điểm 12, 24 và 48giờ sau khi chiếu đèn, không có sự khác biệt giữa hai nhóm (p>0,05). Thời gian trung bình chiếu đèn ở nhóm nghiên cứu dài hơn nhóm chứng (26,05±giờ và 24,8 ±11,2 giờ). Tác dụng phụ mẩn ngứa, tiêu chảy gặp như nhau ở cả hai nhóm chiếm 15%. Đèn Rạng đông giá thành thấp hơn đèn Philip (2,5USD và 250USD), có sẵn tại Việt nam. Hiện nay nghiên cứu này được ứng dụng rộng rãi tại các khoa sơ sinh tại địa phương, nơi không có điều kiện mua đèn nhập ngoại. Kết quả điều trị tốt, kinh tế.
Ngoài những nghiên cứu lâm sàng , tôi còn cùng các đồng nghiệp tham gia các nghiên cứu tại cộng đồng, kết quả nghiên cứu giúp ích cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc sơ sinh ngày càng cải thiện

* Nghiên cứu cộng đồng

Câu hỏi đặt ra là tại sao tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi giảm đáng kể nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh nước ta hầu như không thay đổi. Rào cản lớn ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ sơ sinh là gì? Đó là một câu hỏi đặt ra trong hướng nghiên cứu hợp tác giữa tôi và các đồng nghiệp tại trường đại học San Franscisco, Bệnh viện bà mẹ trẻ em Căm Pu chia và Malaysia. Nghiên cứu đề tài “Những rào cản trong chăm sóc sơ sinh tại một số nước đông nam Á” chúng tôi nhận thấy rào cản lớn nhất là do hệ thống chăm sóc sơ sinh chưa được đồng bộ, yếu tố kinh tế và trình độ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sơ sinh còn nhiều hạn chế.

Can thiệp bằng cách nào? Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá nhu cầu đào tạo chăm sóc sơ sinh của ba nước châu Á” và nhận thấy rằng việc xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp cho mỗi nước và chọn phương pháp giảng dạy tích cực cầm tay chỉ việc là những yếu tố có thể cải thiện công tác chăm sóc sơ sinh có hiệu quả nhất và không tốn kém về kinh tế.
Báo cáo tại: Hội nghị PAS tổ chức tại Canada năm 2006 và Hội nghị Nhi khoa châu Âu tổ chức tai Praha, Tiệp khắc năm 2007.
Dịch vụ chăm sóc cho trẻ em đã được nâng cao về chất lượng tuy nhiên “Có sự khác biệt về giới trong việc chăm sóc sức khỏe giữa trẻ trai và gái hay không?’’ Trong một nghiên cứu cứu hợp tác với UNICEF cho thấy không có sự khác biệt trong chăm sóc y tế giữa trẻ trai và gái tại tuyến bệnh viện. Câu hỏi đặt ra vấn đề này tại cộng đồng như thế nào? Một nghiên cứu tiếp theo đang được tôi và các đồng nghiệp thực hiện.

Cuối năm 2005, một loạt trẻ em bị xơ hoá cơ Delta đã được phát hiện gây xôn xao dư luận. Tôi đã được giao chủ trì đề tài nhánh cấp nhà nước “Nghiên cứu thực trạng, yếu tố nguy cơ, phương pháp chẩn đoán, điêu trị và và đề xuất biện pháp dự phòng xơ hoá cơ Delta ở Việt Nam”. Đề tài đã xác định được tiêm kháng sinh vào cơ Delta là yếu tố nguy cơ gây xơ hoá cơ Delta từ đó đã đề xuất biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Đề tài đã được nghiệm thu năm 2009. Đề tài đã góp phần xây dựng các đặc điểm lâm sàng của xơ hoá cơ Delta, đánh giá được vai trò của siêu âm và cộng hưởng từ trong chẩn đoán xác định bệnh. Đề tài cũng đã xây dựng và chuẩn hoá được quy trình điều trị bệnh bằng phẫu thuật kết hợp với tập phục hồi chức năng.
Để nâng cao chất lượng sống của trẻ em, chúng tôi phối hợp với Tổng cục dân số tiến hành nghiên cứu “Thí điểm sàng lọc phát hiện và can thiệp sớm khiếm thính, các bệnh rối loạn di truyền chuyển hóa và các dị tật bẩm sinh tại Việt nam ( 2009-2012). “

Kết quả bước đầu cho thấy tỷ lệ trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh khá cao ở các dân tộc Mường tại Hòa Bình chiếm , 30% trẻ em bị khiếm thính tại một số trường mầm non tại Hà nội .
Các công trình khoa học tiêu biểu đã được công bố

Trong các công trình NCKH được ứng dụng rộng ãi, có 5 công trình sau:

(1). Đánh giá hiệu quả điều trị suy hô hấp ở trẻ đẻ non bằng máy trợ thở áp lực dương liên tục tự tạo (CPAP-KSE) tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương(Tạp chí Y học thực hành tập 347 số 2 tr.24-30, 2008)
Nghiên cứu đã cho thấy: Hiệu quả thở CPAP-KSE ổn định nhịp thở, cải thiện oxy hóa máu động mạch, giảm CO2, cải thiện toan hô hấp. Tỷ lệ thành công cao (90%). Thở CPAP ít tai biến vì là phương pháp thở không xâm nhập, an toàn, dễ sử dụng. Thiết kế gọn nhẹ, tiết kiệm oxy, không đòi hỏi hệ thống oxy khí nén trung tâm phù hợp với y tế cơ sở.
(2). Bước đầu đánh giá hiệu quả của Surfactant điều trị bệnh màng trong ở trẻ đẻ non tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương (Tạp chí Y học Việt nam tập 369 số 1 tr.1-3- 2010)
Kết luận của nghiên cứu là liệu pháp surfactant thay thế giảm rõ rệt nhu cầu FiO2 ngay sau một giờ điều trị (67.4% và 28.9%) đồng thời làm tăng chỉ số a/APO2 ( từ 0.312 và 0.208 trước điều trị lên 0.625 và 0.428 sau điều trị) phản ánh sự cải thiện quá trình trao đổi khí ở phổi. Sau điều trị surfactant, MAP giảm rõ rệt phản ánh sự cải thiện đàn hồi ở phổi. Điều trị Surfactant sớm là một trong những yếu tố làm giảm nhu cầu và thời gian thở máy của bệnh nhân màng trong, dẫn đến giảm tử vong và giảm chi phí điều trị.
(3). Đánh giá hiệu quả thở máy tần số cao dòng xoáy HFO trong điều trị suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh (Tạp chí Y học thực hành tập 714 số 4 tr.13-16- 2010)
Kết quả cho thấy thở HFO có chức năng đào thải CO2 trao đổi O2 rất tốt. Sự khác biệt giữa máy thở tần số cao và máy thở thường quy chính là tần số rất cao hơn mức sinh lý và thể tích khí lưu thông rất nhỏ. PaCO2 giảm một cách có ý nghĩa sau khi thở HFO (p<0.05). Thở máy HFO cải thiện rõ rệt về tình trạng suy hô hấp trên lâm sàng như giảm tím tái, giảm co rút lồng ngực. Các chỉ số về pH OI, PaO2/FiO2 và a/ApO2 so đều cải thiện một cách rõ rệt so với thở máy thông thường.
(4). Đặc điểm bệnh nhân bilirubin trong máu cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Tạp chí Y học Việt nam tập 368 số 2 tr. 29-32, 2010)
Kết quả nghiên cứu trên 615 bệnh nhân vàng da tăng bilirubin máu cao cho thấy yếu tố nguy cơ cao gây tăng bilirubin là trẻ cân nặng thấp, đẻ non. Biểu hiện vàng nhân não thường gặp ở trẻ khi vào viện do vàng da nặng. Vàng da thường được phát hiện muộn. Thay máu chiếm tỷ lệ 22% và vẫn còn trẻ tử vong do vàng nhân não (0,05%)
(5).Đặc điểm bệnh nhân nhập viện thở máy tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương(Tạp chí nghiên cứu Y học số 33 tr.52-56, 2010)
Kết quả cho thấy trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, có tới 25% trẻ sinh qua mổ đẻ. Đa phần trẻ phải nhập viện do suy hô hấp trong vòng 24 giờ sau sinh (61,4%) và từ các tỉnh chuyển đến. Trẻ sơ sinh nhẹ cân chiếm tới 72,3% trong đó 70% là trẻ đẻ non. Trước khi đến viện, đa phần trẻ chỉ được sơ cứu thông thường như thở ôxy, bóp bóng. Số trẻ phải thở máy ngay trong ngày đầu nhập viện chiếm 51,9 %, phần lớn bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, hạ nhiệt độ (56,9 %). Hầu hết bệnh nhân thở máy do bệnh màng trong chiếm tỉ lệ 67%. Kết quả điều trị của nhóm trẻ có chỉ định thở máy sau khi nhập viện 3 ngày cao hơn có ý nghĩa so với nhóm trẻ phải thở máy ngay khi nhập viện ( 85,3% và 65,2%)

Bên cạnh đó, các BS trong khoa cũng đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác với các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là một số đề tài có quy mô quốc gia và quốc tế như:

– Đồng chủ nhiệm đề án hợp tác với Tổng cục dân số về “Thí điểm sàng lọc phát hiện và can thiệp sớm khiếm thính, các bệnh rối loạn di truyền chuyển hóa và các dị tật bẩm sinh tại Việt nam ( 2009-2012)”
– Bước đầu tìm hiểu sự khác biệt về giới ở trẻ em điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương Hợp tác với UNICEF 2008
– Nghiên cứu gen đột biến kháng thuốc trong điều trị HIV ở trẻ em Vietnam – Hợp tác với Viện nghiên cứu Kanazawa Nhật bản 2009-2011
– Những rào cản trong chăm sóc sơ sinh ở các nước đang phát triển. Hợp tác với Bệnh viện Trường đại học Sanfranscico Hoa Kỳ 2006- 2007
– Đánh giá nhu cầu đào chăm sóc sơ sinh tại 3 nước Đông Nam Á . Hợp tác với Bệnh viện trường đại học Sanfranscico Hoa Kỳ 2006-2007
– Hợp tác với Thụy Điển nghiên cứu marker LDH để phát hiện sớm tình trạng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh lúc nhập viện 2010-2011
– Hợp tác Thụy điển về Kháng kháng sinh và vi khuẩn kháng Carbapenem

4.2.3. Những hoạt động khoa học khác

Giáo dục và truyền đạt những kiến thức cơ bản trong thời gian các bà mẹ nằm viện là một mục tiêu mà khoa HSCCSSi đề ra trong hoạt động của mình vừa là cách tri ân người bệnh. Với mong muốn đó, các BS đã tham gia: Phổ biến kiến thức trên truyền hình về chủ đề “Chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý”, phổ biến kiến thức về “Chăm sóc thiết yếu sơ sinh”, tham gia viết tài liệu dành cho cán bộ y tế thôn bản về kiến thức cơ bản trong chăm sóc trước sinh và sau sau sinh. Xuất bản đĩa CD về chăm sóc da trẻ sơ sinh. Bên cạnh công tác khám và điều trị tôi còn tham gia công tác tuyến, xây dựng chuẩn quốc gia về chăm sóc sơ sinh, chăm sóc trẻ mắc bệnh ROP, quy định tuyến điều trị sơ sinh sao cho phù hợp. Chuyển giao các kỹ thuật, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở của các khoa Nhi, Sơ sinh bệnh viện tuyến Tỉnh ở phía bắc và một số tỉnh miền trung, miền nam . Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 85 các giảng viên quốc gia về Hồi sức sơ sinh, đồng thời đào tạo cho hầu hết các cán bộ làm công tác chăm sóc sơ sinh của các Tỉnh phía Bắc có chứng chỉ tham gia khóa học hồi sức sơ sinh

4.2.4. Định hướng nghiên cứu trong những năm tới

– Phát triển các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và hồi sức sơ sinh
– Thực hiện các chăm sóc toàn diệnđối với các trẻ đẻ non trong bệnh viện như tiêm chủng cho các trẻ sơ sinh nằm lâu trong bệnh viện
– Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ trong bệnh viện, đặc biệt là trẻ đẻ non, hướng tới việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện
– Nghiên cứu về chất lượng sống của những trẻ sơ sinh non tháng
– Nghiên cứu vì sao tỷ lệ tăng bilirubin trong máu cao ở các nước đang phát triển lại nhiều như vậy? Cần đánh giá và nghiên cứu về gen di truyền, gen lặn của từng dân tộc có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị tăng bilirubin trong máu cao? Việc tiếp cận và hiểu được các nguyên nhân của bilirubin trong máu cao và đưa ra được các hướng điều trị đặc hiệu sẽ giúp giảm số ca vàng nhân não vẫn còn cao ở các nước đang phát triển
– Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh ở trẻ em
– Nghiên cứu chất lượng sống của trẻ em dân tộc ít người
– Nghiên cứu ứng dụng giường hồi sức sơ sinh đa chức năng 5 trong 1 sản xuất tại Việt nam trong chăm sóc và điều trị Sơ sinh tại tuyến cơ sở

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em