Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Đào tạo - Chỉ đạo tuyến » Công tác chỉ đạo tuyến: Cần thực hiện đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương

Công tác chỉ đạo tuyến: Cần thực hiện đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương

Đó là thông điệp được Giáo sư Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra trong phát biểu khai mạc “Hội nghị khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Nhi khu vực phía Bắc năm 2016”. Hội nghị do Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em kết hợp với Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức ngày 30/08/2016 tại Bắc Ninh.

Trong những năm qua, vượt nhiều khó khăn do biến động kinh tế, sự thay đổi của mô hình bệnh tật,  công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Ngành y tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực Sản-Nhi nói riêng được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận về kết quả sau 15 năm thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ:  tử vong mẹ giảm từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 60/100.000 trẻ đẻ sống năm 2014, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4 /1000 ca đẻ sống năm 1990 xuống còn 11,9/1000 ca đẻ sống năm 2014. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam đã giảm từ 41% (năm 1990) xuống 14.5% (năm 2014). Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng trong bối cảnh nhiều dịch bệnh mới nổi, sự biến đổi nhanh chóng của các loại virus trở thành mối đe dọa của tất cả các quốc gia.

Chỉ đạo tuyến

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: ” Công tác chỉ đạo tuyến cần thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương”

Về công tác chỉ đạo tuyến, Thứ  trưởng Nguyễn Viết Tiến biểu dương vai trò đầu ngành của BV Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương đối với hệ thống sản nhi trong quá trình nâng cao năng lực cho tuyến dưới một cách hiệu hiệu quả thông qua công tác chỉ đạo tuyến, đặc biệt tại các tỉnh nghèo, xa trung tâm, còn khó khăn trong công tác tiếp cận y tế. Giáo sư Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Để chất lượng đội ngũ cán bộ các tuyến dưới thực sự  được nâng cao một cách bền vững thì công tác chỉ đạo tuyến cần được thực hiện liên tục, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương theo mô hình tuyến Trung ương đào tạo chuyển giao cho tuyến tỉnh, tuyến tỉnh cần xây dựng các bệnh viện hạt nhân về chuyên ngành Sản-Nhi ngay tại địa phương bằng cách bồi dưỡng những bệnh viện đủ năng lực chuyên môn của địa phương trở thành các bệnh viện hạt nhân để hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến thấp hơn trong địa phương đó”.

Chỉ đạo tuyến2

PGS. TS Lê Thị Minh Hương tại Hội nghị Chỉ đạo tuyến

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, chiều cùng ngày, Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Cục khám chữa bệnh và các đại biểu chuyên ngành Nhi đến từ 28 tỉnh phía Bắc đã đánh giá kết quả hoạt động chỉ đạo tuyến trong thời gian qua và đưa ra những chiến lược, kế hoạch thực hiện công tác này trong giai đoạn 2016-2020. Trong diễn đàn này, đại diện nhóm bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 1, các bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2 và khoa nhi của bệnh viện đa khoa các tỉnh đã báo cáo những thành quả đạt được. Trong công tác chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hỗ trợ các tỉnh bước đầu triển khai được các dịch vụ cơ bản, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Khó khăn cần vượt qua trong công tác nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho trẻ em tại các địa phương là : bệnh viện Nhi và Sản nhi mới thành lập, nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng, ít kinh nghiệm về chuyên môn cũng như giao tiếp ứng xử, chưa được đào tạo chuyên khoa nhi. Hệ thống trang thiết bị còn hạn chế, thiếu sự đầu tư đồng bộ tại các bệnh viện tuyến cũng gây trở ngại trong quá trình học tập, áp dụng các kiến thức đã được chuyển giao kỹ thuật vào thực tế.

PGS. TS Lê Thị Minh Hương – PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thực tế giám sát đánh giá tại các địa phương và kết quả nghiên cứu thực trạng hệ thống nhi khoa vừa hoàn thành 8/2016 là căn cứ để Bệnh viện Nhi Trung ương đề xuất Bộ Y tế đưa ra những chiến lược tăng cường đào tạo cả về số lượng lẫn chất lượng bác sĩ, điều dưỡng làm trong lĩnh vực Nhi khoa  trong thời gian tới cho phù hợp với từng nhu cầu của địa phương.

Hội nghị khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản Nhi khu vực phía Bắc năm 2016 đã  thu hút sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, bệnh viện chuyên khoa Sản-Nhi, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản đến từ 31 tỉnh trong cả nước.

Trung tâm đào tạo liên tục và Chỉ đạo tuyến 

 

 

Chuyên mục: Đào tạo - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em