Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Đi chơi Tết lên cơn hen không kịp xử trí, bé 9 tuổi tổn thương não

Đi chơi Tết lên cơn hen không kịp xử trí, bé 9 tuổi tổn thương não

Bệnh nhi 9 tuổi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang ở trong tình trạng tổn thương não không thể hồi phục, tính mạng nguy kịch vì lên cơn hen cấp mà không được xử trí kịp thời.

Chia sẻ về trường hợp đau lòng này, ThS.BS Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh nhi có tiền sử hen. Tết nguyên đán Mậu Tuất, cháu sang nhà bác chơi nhưng quên không mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen. Khi lên cơn hen cấp, bệnh nhi khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở cho cháu nhưng không kịp.

Bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng, tím tái và ngất xỉu. Khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh nhi bị ngưng tuần hoàn, mạch không bắt được. Các bác sĩ đã cấp cứu xử trí ngừng tim, cho đặt nội khí quản hỗ trợ thở giúp bệnh nhi có tim trở lại.

Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Cấp cứu – Chống độc tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 18.2 (mùng 3 Tết). Qua thăm khám, các chỉ số tim mạch của bé trong giới hạn bình thường và tiếp tục cho thở máy.

Tuy nhiên, khi kiểm tra thần kinh, các bác sĩ nhận thấy cháu không có phản xạ đáp ứng, đồng tử giãn to, mất phản xạ về ánh sáng, không đáp ứng với kích thích.

“Bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng vì thiếu ôxi kéo dài, do bệnh nhi bị lên cơn hen cấp nhưng không được xử trí kịp thời. Chúng tôi đánh giá bệnh nhi tổn thương não không thể hồi phục. Hiện chúng tôi vẫn đang hỗ trợ tuần hoàn để duy trì chức năng sống cho cháu” – bác sĩ Vinh cho hay.

Theo bác sĩ, đây là một ca bệnh hết sức đau lòng, bệnh hen hoàn toàn dự phòng được. Trong trường hợp này, do gia đình chủ quan, không mang thuốc dự phòng cho con để xử trí kịp thời.

BS Vinh khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại khoa Cấp cứu – Chống độc (Ảnh: T.Linh)

Bác sĩ Vinh cảnh báo, thời tiết mùa đông– xuân rất thuận lợi cho bệnh hen, đặc biệt là cơn hen cấp ở người có tiền sử bệnh hen. Vì thế, những người bị bệnh hen nên khám và kiểm tra định kỳ để tránh lên cơn hen cấp.

“Cơn hen cấp có thể khởi phát bất kỳ lúc nào, nên những bệnh nhân mặc dù đã được điều trị cơn hen cấp cũng hết sức lưu ý đến lịch hẹn đi khám chuyên khoa định kỳ” – bác sĩ Vinh nói.

Để phòng bệnh hen, các gia đình có người bị hen cần phải chú ý luôn luôn mang theo thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn hen bên người. Khi bệnh nhân khởi phát cơn hen cấp, cần phải nhanh chóng xử trí theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để có những kiểm tra và xử lý tiếp theo.

Đặc biệt, ở thời điểm giao mùa, thời tiết nồm, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho khởi phát cơn hen. Các gia đình có con bị bệnh hen cần giám sát chặt chẽ con mình tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

(Theo Lao động)

Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em