Trang chủ » Nghiên cứu khoa học » Điều trị không phẫu thuật tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín ở trẻ em: tổng kết kinh nghiệm 10 năm

Điều trị không phẫu thuật tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín ở trẻ em: tổng kết kinh nghiệm 10 năm

Nhóm tác giả: Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Liêm
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Mặc dù điều trị không phẫu thuật (ĐTKPT) cho tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín ở trẻ em đã trở thành phổ biến trong vòng 2 thập kỷ qua trên thế giới, ứng dụng và hiệu quả của phương pháp này ở Việt nam còn chưa đều khắp. Báo cáo này nhằm mục đích đánh giá kết quả của ĐTKPT trong tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín ở trẻ em tại bệnh viện nhi Trung ương (BVNTW).
Tư liệu và phương pháp: Hồi cứu tất cả các bệnh nhân với chẩn đoán tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín được điều trị tại BVNTW từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 4 năm 2010. Số liệu được tập hợp phân tích bao gồm triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phương pháp và kết quả điều trị. Mức độ tổn thương được phân loại theo Hiệp hội chẩn thương Mỹ.
Kết quả: Có 98 bệnh nhân được nghiên cứu với độ tuổi từ 1 ngày đến 15 tuổi (trung bình 7,3 tuổi) và tỷ lệ nam: nữ 57,1% : 42,9%. Tổn thương của 36 gan, 29 lách, 43 thận và 5 tụy được ghi nhận (có 14 bệnh nhân bị tổn thương từ 2 tạng đặc trở lên), với mức độ tổn thương trung bình tương ứng là 2,6; 2,2; 2,8, 1,8. ĐTKPT được ứng dụng trên 94 bệnh nhân có huyết động ổn định và 86 trong số này (91,5%) đã được điều trị thành công ra viên mà không cần can thiệp phẫu thuật thêm. Tỷ lệ thành công của ĐTKPT cho các tổn thương của gan, lách, thận và tụy tương ứng là 91,4; 89,3; 95,1 và 100%. ĐTKPT cho hiệu quả cao ở cả 2 nhóm các bệnh nhân bị tổn thương 1 và nhiều tạng đặc, với tỷ lệ thành công tương ứng là 90 và 100%. Trong quá trình theo dõi sau khi ra viện, không có biến chứng nào ở các trẻ bị tổn thương gan và lách nhưng ở 3 bệnh nhân tổn thương tụy có hình thành nang giả tụy sau đó tự thoái triển, một số bệnh nhân tổn thương thận từ mức độ 4 trở lên có giảm đáng kể chức năng thận.
Kết luận: ĐTKPT là khả thi, có hiệu quả cao và phải được coi là cách tiếp cận điều trị đầu tiên trên tất cả các bệnh nhân bị tổn thương tạng đặc do chấn thương bụng kín ở trẻ em. Các bệnh nhân này cần được theo dõi sát để có thể phẫu thuật hay can thiệp thêm khác khi ĐTKPT không kết quả. Cần có những nghiên cứu lớn hơn nhằm cải thiện chức năng thận của những trẻ bị chấn thương thận nặng.

 

Chuyên mục: Nghiên cứu khoa học

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em