Trang chủ » Tài liệu chuyên môn » Điều trị thành công bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển do Sởi

Điều trị thành công bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển do Sởi

 

Ngày 27/02//2014, Bệnh viện Nhi Trung Ương tiếp nhận trường hợp cháu Bùi Mạnh H, 2 tuổi, đến từ Hà Nội với tình trạng suy hô hấp nặng, đã được đặt ống nội khí quản từ bệnh viện Xanh Pôn chuyển đến.

Trẻ bị bệnh 8 ngày trước khi vào viện. Khởi đầu, trẻ xuất hiện loét miệng. Sau 3 ngày, trẻ xuất hiện sốt cao liên tục 39ºC, ngày thứ 4, trẻ phát ban từ mặt đến toàn thân, ban dạng sởi, ho tăng dần và khó thở. Trẻ tiền sử chưa được tiêm phòng sởi. Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn 3 ngày với tình trạng khó thở, thở oxy mask, sốt cao liên tục 40ºC, xét nghiệm có CRP, procalcitonin tăng cao (CRP: 219; Procalcitonin: 78,57), X-quang phổi có hình ảnh đám mờ thùy trên phổi phải; chẩn đoán Sởi biến chứng viêm phổi/ Theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Cháu được chuyển đến Bệnh viện Xanh pôn điều trị 1 ngày với chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn/ Viêm phổi nặng/ Sởi, phải đặt nội khí quản, thở máy 1 ngày sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi nhanh chóng được đưa vào khoa Hồi sức tích cực và các bác sỹ đã nhanh chóng sử dụng các thuốc vận mạch, chống sốc, an thần, thở máy đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán Sởi và các biến chứng. Kết quả xét nghiệm PCR Sởi dương tính, Cấy nội khí quản có Klebsiella pneumoniae nhạy cảm với Colistin, PCR đa mồi chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với kết quả là Streptococcus aureus. Trẻ được chẩn đoán xác định ARDS/ Nhiễm trùng huyết/ Sởi.
Sau ngày 10 điều trị tích cực, cháu H đã thoát khỏi tình trạng thở máy, cháu tỉnh, thở oxy mask tình trạng ổn định, mạch và huyết áp tương đối bình thường. Trẻ được chuyển đến khoa Truyền nhiễm điều trị tiếp tình trạng viêm phổi. Hiện tại, cháu tỉnh táo, đã hết sốt, tự thở, không phải hỗ trợ oxy. Các bác sỹ và gia đình cháu rất phấn khởi trước tiến triển bệnh tương đối tốt của cháu.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch, do đó trẻ em mắc bệnh Sởi rất dễ bị biến chứng do đồng mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu sinh tố (vitamin) A. Các biến chứng này rất nặng và dễ gây tử vong.

Hôi chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS: Acute respiratory distress syndrome) là hội chứng gây ra bởi tình trạng viêm phổi lan rộng và tổn thương các mạch máu nhỏ do nhiễm trùng huyết, chấn thương hoặc nhiễm trùng phổi nặng. Theo tiêu chuẩn của AECC (American- European Consensus Conference), chẩn đoán ARDS xác định bởi tỷ lệ áp suất riêng phần của oxy trong máu động mạch (PaO2) và phần trăm oxy trong khí thở vào (FiO2) với PaO2/FiO2 < 200. Theo nghiên cứu năm 2008 của Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do ARDS là 25-40%.
Tình trạng suy hô hấp nặng do biến chứng viêm phổi của cháu H đã cải thiện một cách đáng kể nhờ sự cấp cứu và điều trị nhiệt tình của các bác sỹ và điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua trường hợp cháu H, có thể tạo được niềm tin với gia đình bệnh nhân khi thời gian gần đây, các biến chứng cấp tính của bệnh sởi vẫn là thử thách và khó khăn trong điều trị.

 

                                                                                                                                      BS Thúy Quỳnh – NT37



Chuyên mục: Tài liệu chuyên môn

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em