Trang chủ » Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến » Đào tạo - Chỉ đạo tuyến » Đưa bác sĩ nhi về cơ sở: Tỷ lệ chuyển tuyến giảm, một số kỹ thuật mới đã thực hiện thành công tại tuyến dưới

Đưa bác sĩ nhi về cơ sở: Tỷ lệ chuyển tuyến giảm, một số kỹ thuật mới đã thực hiện thành công tại tuyến dưới

BV Nhi Trung ương đã triển khai thí điểm việc đưa bác sĩ trẻ, giỏi của BV về “cắm” tại BV huyện, thậm chí tại trạm y tế xã để nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyến và tăng cường nhân lực chất lượng cao cho tuyến cơ sở

Bác sĩ nhi trung ương về “3 cùng” tại tuyến huyện, xã

BVĐK huyện Mường Khương- Lào Cai là một trong những BV đầu tiên ở tuyến huyện được đón nhận 3 nữ bác sĩ nội trú trẻ Hoàng Phương Thanh, Nguyễn Thị Giang và Đặng Thị Cẩm Băng của BV Nhi Trung ương đến “3 cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc ngay tại BV trong thời gian liên tục 2 tháng.

Đây cũng là một trong 4 điểm của y tế tuyến dưới đã được hưởng lợi từ Dự án Đào tạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa – BV Nhi Trung ương bao gồm: BVĐK Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An; BVĐK Triệu Sơn, Thanh Hóa và trạm y tế xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình.

Bác sĩ nội trú của BV Nhi Trung ương về “cắm chốt” tại BVĐK huyện Mường Khương đang thăm khám cho trẻ em xã La Pan Tẩn

Đối với tuyến huyện, BV Nhi Trung ương cử 2-3 bác sĩ nội trú bệnh viện xuống công tác luân phiên liên tục trong vòng 2 năm nhằm hỗ trợ chuyên môn đồng thời đào tạo cho các bác sĩ, cán bộ y tế tại bệnh viện và nhân viên y tế trong khu vực.

Là một trong trong những bác sĩ được cử đi công tác trong lần đầu tiên triển khai Dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Mường Khương, không giấu nổi niềm vui khi được đến với bà con dân tộc, BS Nguyễn Thị Giang chia sẻ: Lần đầu tiên được bệnh viện chọn cử tới công tác tại một bệnh viện vùng cao, tôi cũng như các bác sĩ khác vô cùng háo hức nhưng cũng khá hồi hộp. Hồi hộp vì không biết rõ cơ sở vật chất nơi đây ra sao, bà con dân tộc có nói được tiếng Kinh không, hay lo lắng không biết mình có hoàn thành nhiệm vụ bệnh viện giao không…

“Tất cả các câu hỏi đó nhanh chóng được sáng tỏ bởi mặc dù điều kiện khám chữa bệnh còn khó khăn nhưng với quyết tâm của bệnh viện cùng sự nỗ lực không ngừng của các bác sĩ trẻ BV Nhi Trung ương, những khó khăn ban đầu đã được đẩy lui”- BS Giang nói

BS Phạm Hồng Việt, Giám đốc BVĐK Mường Khương cho biết, trung bình mỗi ngày khoảng 40 – 50 trẻ đến khám. Số điều trị nội trú luôn duy trì mức cao gần ngang số trẻ đến khám. Ngoài nhân lực của BV, từ khi có các bác sĩ về “cắm chốt”, công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em trên địa bàn của BVĐK Mường Khương đã có những thay đổi, bởi các bác sĩ trẻ này đã cùng với các y bác sĩ của BV thực hiện và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới trong chăm sóc, điều trị nhi khoa như: Đặt nội khí quản sơ sinh; cấp cứu ngừng tuần hoàn xử lý sốc giảm thể tích; nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh; tham mưu triển khai xét nghiệm đông máu cơ bản tại bệnh viện; thành lập phòng khám Chuyên khoa Nhi tại khoa Khám bệnh…

Bệnh viện Nhi TW, Sở Y tế Ninh Bình, UBND thành phố Tam Điệp ký biên bản ghi nhớ về thực hiện Dự án đào tạo, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa. Theo đó, lần đầu tiên, bác sĩ BV Nhi Trung ương sẽ xuống tận trạm y tế xã Yên Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình để thăm khám sức khoẻ cho người dân

“Nhà có 3 đứa con đứa nào cũng bị còi và hay ốm, từ ngày có bác sĩ BV Nhi Trung ương xuống đây, mình đưa chúng nó đến khám, đến bây giờ không thấy ốm nữa và ăn được nhiều nên đỡ còi hơn trước nhiều lắm. Từ nay không phải đi xa để khám bệnh, được các bác sĩ trung ương xuống đây, bà con mừng lắm”- Chị Lò Thị Mai – người dân tộc Thái tại Mường Khương không giấu nổi vui sướng sau khi các con chị được các bác sĩ khám và điều trị.

“Người dân không đến được với bác sĩ thì bác sĩ sẽ về với người dân”

Từ tháng 11/2018 đến nay, BV Nhi Trung ương đã triển khai Dự án Đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa, đưa bác sĩ nội trú bệnh viện tới 3 huyện và 1 xã kể trên. Những kết quả của dự án đã được chứng minh tính thực tiễn đem lại nhiều hiệu quả đáng mừng.

Tới thời điểm hiện tại, qua công tác đánh giá từ các đợt giám sát, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại 3 bệnh viện và trung tâm y tế  tăng từ 120 – 200% so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm rõ rệt, số lượng mặt bệnh được điều trị tại chỗ  ngày một tăng. Một số kỹ thuật mới đã được triển khai ngay tại địa phương đặc biệt trong lĩnh vực sơ sinh như thở CPAP, nuôi dưỡng trẻ đẻ non thấp cân…

Theo GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc BV Nhi TW, với quan điểm người dân không tới được với bác sĩ thì bác sĩ sẽ tới với người dân, chúng tôi muốn những người dân tại những vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được với những dịch vụ khám chữa bệnh như tại bệnh viện tuyến Trung ương, giảm bớt khó khăn cho bà con về khoảng cách địa lý hay kinh tế.

“Làm sao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở phải mang tính bền vững, nhằm giúp người bệnh, đặc biệt là các em nhỏ được chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại địa phương, không phải vượt tuyến, thì việc đưa bác sĩ của BV Nhi TW về “3 cùng” tại BVĐK, Trung tâm y tế tuyến huyện là rất cần thiết. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, các bác sĩ sẽ tích cực đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, cán bộ tuyến dưới để khi dự án kết thúc, các bệnh viện đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có tính hệ thống và tiếp tục đảm nhiệm được công tác khám chữa bệnh như khi có các bác sĩ của bệnh viện Nhi Trung ương tại đó”- GS.TS Lê Thanh Hải nói

Tính tới thời điểm hiện tại, mỗi lượt cử các bác sĩ luân phiên xuống công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế khoảng 2-3 tháng, các bác sĩ đã đào tạo trung bình 3-4 bài giảng, chủ đề cho các cán bộ y tế tại đây với tổng số trên 50 bài giảng và chủ đề. Những kiến thức được các bác sĩ BV Nhi Trung ương truyền đạt, chia sẻ đều là những kiến thức hệt sức thực tế, gắn liền với tính đặc thù của bệnh viện, địa phương nên khả năng áp dụng cao, có tính thực tiễn và dễ tiếp thu.

“Được các bác sĩ tuyến trung ương về cùng làm việc với bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện rất nhiều, đặc biệt có những trường hợp cấp cứu nhi khoa được xử trí kịp thời, đúng cách đã cứu sống không ít trẻ nơi đây, đem lại niềm tin và sự mến phục của đồng bào”. BSCKI. Đặng Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An – nơi có 2 bác sĩ nội trú đang công tác tại đây thể hiện sự vui mừng cho biết.

Ứng dụng công nghệ 4.0 hỗ trợ chuyên môn từ xa

Song song với hoạt động tại chỗ, BV Nhi Trung ương còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi chuyên môn từ xa, thực hiện áp dụng công nghệ 4.0 trong việc hỗ trợ chẩn đoán, hội chẩn như các hoạt động Telemedicine: ECHO, Telerad nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đào tạo tại nơi có dự án triển khai.

Ngoài ra, Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa phối hợp các đơn vị trong bệnh viện còn tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả và hỗ trợ chuyên môn tại chỗ, thông qua đó chúng tôi ghi nhận những điểm tích cực và những hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp và kế hoạch cho những thời gian tiếp theo, nâng cao hiệu quả của Dự án.

TS.BS. Đỗ Minh Loan – Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa – BV Nhi Trung ương cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ và tăng cường hoạt động đánh giá giám sát, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đào tạo từ xa, giúp cho các học viên tuyến dưới, đặc biệt trong các dự án có thể tiếp cận được với các lớp đào tạo tại bệnh viện, nâng cao kiến thức chuyên môn”.

Thái Bình – Xuân Tùng

Chuyên mục: Đào tạo - Chỉ đạo tuyến

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em