Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về huyện nghèo

Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về huyện nghèo

 

Ngày 21/2, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức Lễ ra quân “Đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, biên giới hải đảo và 62 huyện nghèo” tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

 

a

Ảnh: VGP/Thúy Hà

 

Đây là lần đầu tiên dự án này được triển khai tại huyện Mù Cang Chải (1 trong 62 huyện nghèo của cả nước).

Tại Lễ ra quân, 6/10 bác sỹ trẻ đầu tiên được tuyển chọn tham gia Dự án được đưa về các bệnh viện thuộc khu vực Tây Bắc, trong đó có 3 bác sỹ được đưa về các bệnh viện huyện Mù Cang Chải.

Đây là những người đã vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao và được sự tiếp nhận của các bệnh viện trong khu vực. Các bác sỹ trẻ sẽ tham gia tình nguyện với thời gian 3 năm, tính từ thời gian trực tiếp làm việc tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện (không kể thời gian đào tạo Bác sĩ chuyên khoa cấp I); riêng đối với bác sỹ trẻ là nữ, thời gian tình nguyện tối thiểu là 2 năm.

Tại lễ ra quân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và phê duyệt dự án đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện về phục vụ ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo.

Bên cạnh đó, Dự án sẽ tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện, góp phần giảm quá tải công tác khám chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời giúp tuyến dưới hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách lớn như bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng nông thôn mới và chiến lược phát triển y tế ở miền núi, biển đảo…

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), dự án lần này đã thu hút 78 hồ sơ đăng ký, nhưng qua tuyển chọn, đã tuyển lựa được 10 thành viên và 6 thành viên đã được tiếp nhận.

Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Trước đó, Dự án đã được triển khai tại Hà Nội ngày 27/2/2013. Từ đó đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả như: Tổ chức khảo sát thực trạng bác sỹ, nhu cầu bác sỹ theo từng chuyên khoa kết hợp khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị…; đã khớp được cung cầu, theo đó, một số bác sỹ của Dự án đã được một số bệnh viện tuyến Trung ương tiếp nhận; triển khai khung chương trình đào tạo của 7/14 chuyên khoa của dự án.

Dự án này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2016 được triển khai tại 20 tỉnh có huyện nghèo đã đăng ký tham gia Dự án và các tỉnh khác có nhu cầu với số lượng dự kiến khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện, ưu tiên 62 huyện nghèo.

Sau giai đoạn 1, Bộ Y tế sẽ tổ chức sơ kết, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy trình, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai Dự án ở giai đoạn 2 từ năm 2016 trở đi.

Thúy Hà
( Theo http://baodientu.chinhphu.vn/)



Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em