Trang chủ » Y học thường thức » Ghép Tế bào gốc tạo máu: Hợp tác giữ cho sự sống

Ghép Tế bào gốc tạo máu: Hợp tác giữ cho sự sống

TS Dương Bá Trực – Bệnh viện Nhi Trung ương

Đầu tháng 3/2014, cháu Trần Ngọc A, 9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên, mắc bệnh suy tủy nặng đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) thành công. Điều cần nói ở đây là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu này đã được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bệnh viện: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cháu A được phát hiện suy tủy nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 10/2013. Tại đây, cháu đã được làm xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) và được tìm thấy hòa hợp HLA với em ruột: Trần Ngọc G, 6 tuổi. Nếu được ghép thì A có cơ hội khỏi bệnh, nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì chưa đủ kinh phí. Từ đó A đã phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu.

Qua trao đổi với các bác sĩ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chúng tôi biết Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đang triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện cho những ca đầu tiên. Cháu A đã được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương sang Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để thực hiện ca ghép.

Phần nửa công việc còn lại là thu hoạch tủy xương của cháu G để truyền cho bệnh nhân A. Công việc này khá khó khăn vì cháu G mới nặng 16kg, thu hoạch tối đa tủy xương của cháu G mới có thể đủ số lượng tế bào gốc tạo máu để ghép cho A. Các bác sĩ có kinh nghiệm nhất trong ghép đã họp bàn các phương án chi tiết. Ngày 9/3/2013, ca lấy tủy thu hoạch tế bào gốc tạo máu đã thành công tốt đẹp, sau 1 giờ gây mê, các bác sĩ đã lấy đủ số lượng tủy để truyền. Cháu G đã khỏe mạnh, ra viện sau đó hơn 1 ngày.

Đây là ca ghép không phù hợp nhóm máu (người cho nhóm máu A, người nhận nhóm máu O). Khối lượng tủy xương cần xử lý loại hồng cầu. Đây là một công việc rất tỉ mỉ, đòi hỏi kĩ năng và kiến thức vững vàng. Công việc đã hoàn thành sau 4 giờ làm việc liên tục của các chuyên gia truyền máu.

Sau 10 ngày ghép, chúng tôi được các bác sĩ của Viện Huyết học truyền máu thông báo là bệnh nhân có tình trạng ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần.

Trước đó hơn 1 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu điều trị thành công 1 cháu bệnh nhân Thalassemia. Đó là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh nhan Thalassemia thứ 10 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua các hội thảo về tế bào gốc tạo máu và từ thực tế công việc, việc ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu nặng ngày càng được chuẩn bị kĩ lưỡng và kết quả tốt hơn.

Ghép tế bào gốc tạo máu thành công đòi hỏi không chỉ có phương tiện máy móc, thuốc, hoá chất mà còn đòi hỏi sự phối hợp của các bác sĩ có kiến thức về huyết học, miễn dịch , truyền máu. Để thực hiện được công việc này còn cần sự tham gia của các bác sĩ gây mê, điều trị hồi sức và một số chuyên khoa khác. Tất cả đã có được tại bệnh viện Nhi Trung ương sau hơn 6 năm làm việc và học tập trong lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu.

Sự hợp tác và phối hợp nhịp nhàng giữa Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua bước đầu đã cứu sống bệnh nhi suy tủy nặng. Sự hợp tác này còn góp phần phát triển kĩ thuật ghép tế bào gốc tạo máu ở cả hai bệnh viện, nâng cao chất lượng điều trị và cứu sống bệnh nhân mắc các bệnh của cơ quan tạo máu.



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em