Trang chủ » Y học thường thức » Hồi sinh kỳ diệu cho bé sơ sinh mắc nhiều trọng bệnh

Hồi sinh kỳ diệu cho bé sơ sinh mắc nhiều trọng bệnh

Được bồng bế trên tay đứa con thân yêu của mình,nhìn con yêu say giấc, nghe tiếng thở đều đều của con, chị Cao Thị Thúy Hồng mẹ cháu L.T.T  (gần 2 tháng tuổi) như vừa thoát khỏi cơn ác mộng. Giây phút đau xót nhìn con thơ mới 4 ngày tuổi đã phải lên bàn mổ cấp cứu rồi khoảng thời gian thắc thỏm ngóng tin con bên hàng lang khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh chắc chắn chị sẽ không bao giờ quên. Bị viêm ruột hoại tử nặng,hoại tử dạ dày,  diễn biến hậu phẫu phức tạp do nhiễm trùng vết mổ, có huyết khối tĩnh mạch và tràn dịch màng phổi dưỡng chấp,  sự hồi sinh của bé là một điều kỳ diệu đối với cả gia đình và đội ngũ thầy thuốc.

                                                      

 Nụ cười hạnh phúc của người mẹ có con vừa thoát “cửa tử”

Chào đời khi mới được 35 tuần tuổi, chỉ 3 ngày sau sinh, bé L.T.T đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp tốc chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh- Bệnh viện Nhi Trung ương do thể trạng yếu, bụng trướng căng và sốc nặng. Tại đây, qua phim chụp X-quang cho thấy bệnh nhân có thành ruột dày và xuất hiện khí thành ruột, sau khi hội chẩn,  xác định cháu bị viêm ruột hoại tử, các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh nhanh chóng chuyển cháu đến khoa Ngoại để tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình mở ổ bụng kiểm tra, các bác sĩ ngoại khoa phát hiện bé T ngoài mắc viêm ruột hoại tử rất nặng còn bị hoại tử mặt sau của dạ dày và ruột non. Theo bác sĩ Nguyễn Mai Thủy- người trực tiếp phẫu thuật cháu bé: “Với trường hợp bé T, cùng lúc mắc viêm ruột hoại tử nghiêm trọng lại hoại tử dạ dày, tiên lượng tử vong đã rất lớn, chưa kể đến những diễn biến phức tạp trong quá trình hậu phẫu. Cháu T có sống được hay không, phụ thuộc phần lớn ở công tác chăm sóc hồi sức sau mổ”. Cuộc đại phẫu đưa bé thoát khỏi tình trạng cấp cứu nhưng đồng thời cũng khiến các bác sĩ hết sức lo ngại về khả năng nhiễm trùng vết mổ vì trẻ đẻ non sức đề kháng vốn rất kém. Nói về công tác chăm sóc hồi sức cho bé T, bác sĩ Lan Anh người đã theo sát bệnh nhi trong giai đoạn nguy kịch nhất cho biết : “Tình trạng sức khỏe cháu T thay đổi rất thất thường. Các bác sĩ, điều dưỡng luôn phải túc trực trong buồng bệnh 24/24, canh chừng từng chuyển biến nhỏ nhất của bé. Có những giai đoạn, bé cai được máy thở, lưu thông tiêu hóa tốt hơn, các bác sĩ còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì lại phát hiện ra các triệu chứng mới xuất hiện”.

                                                       

Các bé nằm trong buồng bệnh cách ly hầu hết đều có tình trạng bệnh rất nặng, mọi công tác chăm sóc đều tới tay cán bộ điều dưỡng (ảnh minh họa)

Thạc sĩ-bác sĩ Lê Thị Thu Hà- Phó trưởng khoa Hồi sức sơ sinh cho biết, bé  L.T.T là một trong số hiếm hoi các bệnh nhi mà khoa tiếp nhận gặp cùng lúc nhiều tình trạng bệnh phức tạp. Các bác sĩ vừa điều trị dứt điểm nhiễm trùng vết mổ lại thấy bệnh nhi xuất hiện huyết khối tĩnh mạch và sau đó là tràn dịch màng phổi dưỡng chấp. 2 tháng trời chạy đua cùng “tử thần” để giành giật sự sống cho bé bằng nhiều biện pháp can thiệp: điều trị huyết khối, nuôi dưỡng tĩnh mạch, chọc hút dịch màng phổi kết hợp với sử dụng kháng sinh mạnh và các loại thuốc chuyên biệt để tăng sức đề kháng sẽ là khoảng thời gian khó quên đối với nhóm bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và điều trị cho cháu. Chuyện đi sớm về khuya, những đêm trực triền miên thức trắng, đã trở nên quá quen thuộc với bác sĩ, điều dưỡng nơi đây trong những thời kỳ cao điểm. Bác sĩ Lan Anh tâm sự: “ Bọn mình ở đây chịu áp lực quen rồi. Bước chân vào buồng bệnh là chẳng còn tâm trí để nghĩ đến chuyện gì khác ngoài việc làm sao để cứu được các cháu”. Đến nay (24/06), sau giai đoạn điều trị tích cực, cháu L.T.T đã có nhiều chuyển biến hết sức khả quan.  Mới đây, bé sơ sinh 2 tháng tuổi với sức sống mãnh liệt này đã có thể rời phòng bệnh cách ly để trở về bên vòng tay mẹ: : thể trạng bé ngày một ổn định, huyết khối tĩnh mạch thu nhỏ lại, bé có thể tự thở, bú mẹ tốt..

Nhìn bé đang say giấc, nghe tiếng thở đều đều của con, chị Cao Thị Thúy Hồng, mẹ bé T không giấu được xúc động: “ Em bị vỡ ối sớm rồi sinh non. Con mới đẻ ra đã mắc nhiều bệnh nặng, em đau đến thắt cả ruột gan. Nếu không có các bác sĩ hết lòng với cháu thì cả nhà đã mất con rồi. Em thấy các bác sĩ ở đây làm việc căng thẳng lắm nhưng khi bố và bà của cháu có thắc mắc thì bác vẫn nhiệt tình giải thích cho đến khi nào người nhà hiểu mới thôi. Em rất xúc động. Nhà cháu đúng là có phúc to lắm”.

                                                  

 Giải đáp thắc mắc của phụ huynh giúp trấn an tinh thần các ông bố, bà mẹ

  Bài và ảnh: Lê Mai-KHTH

 



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em