Trang chủ » Y học thường thức » Hướng dẫn ăn bổ sung cho bé

Hướng dẫn ăn bổ sung cho bé

I. Giới thiệu:

   Một em bé sinh ra khỏe mạnh và thông minh là niềm ao ước, niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ. Khi bé chào đời, cha mẹ có rất nhiều việc phải làm. Chăm sóc bé là công việc quan trọng nhất, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Không phải ai cũng nắm được các kỹ năng của công việc này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chăm sóc bé tốt cho bé ngay từ giai đoạn đầu đời là rất quan trọng, vì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình phát triển thể chất và nhận thức của bé những năm về sau. Vì vậy cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc bé một cách khoa học.

Năm đầu đời của trẻ là năm của rất nhiều cái đầu tiên: Những nụ cười đầu tiên, lần đầu tiên bé biết ngồi, tiếng bi bô đầu tiên, những bước chập chững đầu tiên. Bé đạt được những cột mốc của quá trình phát triển, từ những chuyển động phức tạp đến những kỹ năng hoạt động thể chất phức tạp hơn. Mỗi thời kì khác nhau dinh dưỡng cho bé cũng khác nhau.

1. Ưu điểm của sữa mẹ:

– Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo nhất, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu

– Sữa mẹ có chất kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.

– Tăng tình cảm mẹ con

– Sữa mẹ có khả năng chống bệnh dị ứng: nhờ IgA nên trẻ bú mẹ ít khi bị không dung nạp sữa mẹ.

– Giúp mẹ chống được bệnh tật: giảm tỷ lệ ung thư tử cung, ung thư vú, giúp mẹ kế hoạch hóa gia đình, giúp co hồi tử cung tốt nên giảm sự mất máu sau đẻ.

2. Tại sao ăn bổ sung:

– Trẻ cần được ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi. Khi trẻ được 6 tháng là lứa tuổi thần kinh và cơ nhai phát triển đầy đủ cho phép trẻ nhai và cắn thức ăn

– Trẻ trên 6 tháng sữa mẹ không đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Vì vậy nếu không cho trẻ ăn bổ sung trẻ sẽ chậm lớn, ngừng phát triển, thiếu máu, còi xương. Đặc biệt với trẻ phát triển mạnh

 • Nếu cho trẻ ăn sớm quá:

– Trẻ sẽ bú mẹ ít đi, mẹ sẽ tiết ít sữa và khó khăn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ nhận được ít các yếu tố miễn dịch từ sữa mẹ, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng.

– Thức ăn mới thường ít chất dinh dưỡng hơn sữa mẹ

– Bà mẹ có nguy cơ mang thai sớm hơn nếu không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.

 • Nếu cho trẻ ăn muộn quá:

– Trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng để bù đắp sự thiếu hụt.

– Trẻ chậm lớn hoặc ngừng tăng cân

– Trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng và  thiếu vi chất

II. Các giai đoạn ăn bổ sung theo lứa tuổi:

1.Trẻ 6 tháng tuổi:

    Ngoài bú sữa mẹ, 1 ngày cho trẻ ăn 1 bữa bột loãng 5%,. Khi bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung nên cho trẻ ăn từ từ, ít một rồi tăng dần lên 200ml môt bữa, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Mỗi lần chỉ cho một loại thức ăn mới. Loại thức ăn nào khi bắt đầu cho bé ăn cũng cho ăn ít một sau đó ăn tăng dần. Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng ngay ban đầu và không nên lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn. Thời điểm này cũng có thể cho trẻ tập ăn sữa chua, hoa quả. Mỗi ngày có thể cho trẻ uống 20ml nước hoa quả hoặc hoa quả nghiền

Thành phần bát bột 5%:

Bột thịt lợn 200ml

Nước: 200ml

Bột gạo:5g

Thịt lợn băm:10g

Rau xanh:10g

Dầu ăn:3g

 

2.Trẻ 7-8 tháng:

  Giai đoạn này trẻ đã có răng, cần tập cho bé phản xạ nhai nên bát bột không cần xay nhuyễn quá. Bé cần được tập ăn các loại thực phẩm để thích nghi và các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên.

+ Bú sữa mẹ,

+ 1 ngày cho trẻ ăn 2 bữa bột 10% mỗi bữa 200ml.

Bột gạo:10g

nước: 200ml

Thịt lợn băm:10g

Rau xanh:10g

Dầu ăn:5g

+ Hoa quả: 40ml

3.Trẻ 9-12 tháng:

+ Bú mẹ

+ Ngày ăn 3 bữa bột 10%. Mỗi bữa 200ml

Bột gạo:10g

nước: 200ml

Thịt lợn băm:10g

Rau xanh:10g

Dầu ăn:5g

+ Hoa quả : 60ml

4. Trẻ 12-24 tháng:

 – Bắt đầu cho bé tập ăn cháo

– Những thức ăn mới có thể thử thích nghi, nếu bé không có biểu hiện gì khác thường như dị ứng hay bất kì loại bệnh phát sinh nào gây ra do loại thức ăn mới thì có thể tiếp tục.

– Không cho bé ăn những thực phẩm như bỏng ngô, các loại hạt vì bé có thể bị hóc.

– Cho bé ăn 5-6 lần một ngày với những phần thức ăn nhỏ.

– Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để bé thích nghi tốt hơn với thức ăn mới và đỡ ké ăn hơn sau này.

– Không được cho bé những loại đồ uống như cà phê, sô cô la hay bất kì đồ uống nào có nhiều chất hóa học tổng hợp hay nhiều caffeine có khả năng gây nghiện.

– Tập cho bé ăn nhiều hoa quả. Hoa quả theo mùa rất tốt và bổ dưỡng

Thành phần 1 bát cháo:

   Cháo thịt lợn 200ml

   Gạo: 40g

   Thịt lợn nạc:20g

                                               Rau xanh:20g

   Dầu:7g

– Trường hợp mẹ ít sữa hoặc không có sữa thì thay sữa mẹ bằng sữa công thức theo lứa tuổi

* Cách cho ăn:

  Nên cho trẻ ăn theo bữa, 3 giờ ăn 1 bữa, thời gian ăn một bữa tối đa 30 phút. Trong 3 giờ đấy không cho trẻ ăn bất cứ cái gì, chỉ được uống nước lọc nếu trẻ khát. 

 

* Thành phần bữa ăn bổ sung phải đủ theo ô vuông thức ăn.

                            

Trung tâm của ô vuông thức ăn là sữa mẹ

Thức ăn trong 4 ô vuông thức ăn gồm:

• Thức ăn cơ bản

  Gồm ngũ cốc và khoai củ. Ở nước ta ngũ cốc được sử dụng phổ biến là gạo, ngô, khoai, sắn… Đối với trẻ em ở lứa tuổi ăn dặm chỉ cần sử dụng gạo để chế biến, không nên sử dụng ngô, khoai, sắn để nấu bột cho trẻ

•Thức ăn cung cấp đạm:

   Protein trong cơ thể đóng vai trò rất quan trọng, nó là nguyên liệu xây dựng và tái tạo tổ chức, tế bào; là thành phần chủ yếu của các men, các kháng thể, các nội tiết tố quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Vì vậy trong chế độ ăn hàng ngày bắt buộc phải cung cấp protein. Protein có nguồn gốc động vật: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… protein có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ,… Nhưng protein có nguồn gốc động vật có giá trị dinh dưỡng cao hơn nên trong khẩu phần hàng ngày của trẻ cần chú ý đến protein có nguồn gốc động vật nhiều hơn.

• Thức ăn cung cấp năng lượng:

  Đó là các loại mỡ động vật, dầu thực vật, bơ,… Nhóm thức ăn này cung cấp lipid cho cơ thể. Vai trò của lipid tham gia vào cấu trúc các mô, thành phần tế bào và nội mô. Nó có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi tác động các yếu tố bên ngoài, hòa tan và vận chuyển các vitamin tan trong dầu( A, D, E, K) và nó là nguồn sinh năng lượng cao

 • Thức ăn cung cấp vitamin và muối khoáng:

    Vitamin và muối khoáng là những chất cần thiết tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển. Vitamin và muối khoáng có ở các loại rau, củ, quả. Ngoài ra nhóm này còn cung cấp chất xơ giúp thúc đẩy nhanh chất thải ra khỏi ống tiêu hóa, phòng chống  táo bon, tạo điều kiên cho vi khuẩn có lợi cho đường ruột phát triển.

   Tóm lại, để trẻ phát triển tốt, khỏe mạnh cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối về chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ về cả thể chất, tâm thần và vận động.

                                                             Người viết bài : Phạm Thị Yến – Khoa Dinh Dưỡng Tiết Chế



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em