Trang chủ » Y học thường thức » “Kiêng” vắc-xin cho trẻ sinh non – sai lầm tai hại!

“Kiêng” vắc-xin cho trẻ sinh non – sai lầm tai hại!

Lo lắng trẻ sinh non, nhẹ cân không đủ sức khỏe để tiếp nhận các mũi tiêm phòng, nhiều gia đình thường chờ đến khi đủ cân nặng và có cảm giác khỏe mạnh mới đưa đi tiêm phòng. Các bác sĩ cảnh báo, đây là quan niệm sai lầm.

Nguy kịch vì không tiêm phòng sởi

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới đây vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi là cặp song sinh 11 tháng tuổi (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) bị bệnh sởi, tiên lượng nặng. Cả hai trẻ đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban, không ăn uống được, khó thở. Gia đình cho biết, trước đó bé sốt 39độ C, kèm theo ho, chảy nước mũi, nước mắt… Đến ngày thứ tư, bé phát ban nên gia đình đưa đi cấp cứu.

Các bác sĩ truyền dịch, chống co giật, sử dụng kháng sinh mạnh. Đồng thời, bệnh viện cũng phải dùng phác đồ điều trị viêm phổi nặng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày cấp cứu hai bé vẫn chưa vượt qua được tình trạng suy hô hấp. Điều đáng nói, theo gia đình, cặp song sinh này chào đời khi mới 30 tuần tuổi và bị nhẹ cân nên tới thời điểm nhập viện, cả hai cháu vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

Các bác sĩ khuyến cáo, không chỉ trẻ sinh non mà trẻ mắc bệnh bẩm sinh và mạn tính vẫn có thể tiêm phòng đầy đủ theo độ tuổi sau khi được sàng lọc, đánh giá tại bệnh viện

Hiện không ít gia đình có trẻ sinh non, nhẹ cân quá cẩn trọng trong việc tiêm phòng cho con. Thay vì đến các cơ sở tiêm chủng và bệnh viện để đánh giá, sàng lọc, các bậc cha mẹ thường “giấu kỹ” con ở nhà đợi trẻ khỏe mạnh mới đưa đi tiêm chủng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Bộ Y tế Việt Nam, trẻ dưới 2kg sẽ có cân nhắc khi chỉ định tiêm chủng. Còn với trẻ từ 2kg trở lên vẫn tiêm chủng bình thường, đặc biệt không có chuyện trì hoãn, cộng thêm tháng bị thiếu hay chờ cho trẻ đủ cân mới đi tiêm chủng.

Trẻ sinh non, càng phải quan tâm tiêm chủng

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Kiến Ngãi – Phụ trách đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết, trẻ sinh non có sức đề kháng kém hơn bình thường, do đó cần quan tâm cho trẻ đủ khả năng miễn dịch để chống chọi lại với các tác động của môi trường.

Với những trẻ có tình trạng bệnh lý cụ thể, bệnh cấp tính hay bệnh tiến triển như hô hấp, nhiễm trùng… thì khi trẻ hết thời gian điều trị, theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, hoàn toàn có thể cân nhắc để tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt. “Sai lầm của nhiều gia đình là nghĩ  trẻ sinh non, thiếu cân lại từng mắc bệnh nên thường xuyên trì hoãn tiêm chủng cho con.

Và khi trẻ bị trễ một mũi tiêm sẽ dẫn tới trễ hàng loạt các mũi tiếp theo, mà đó là các loại vắc xin cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của trẻ”, tiến sĩ Ngãi khuyến cáo.

Thực tế, tại BV Nhi Trung ương, những trường hợp trẻ bị tiêm trễ nhiều mũi tiêm không phải là hiếm. Nếu như theo khuyến cáo, khi trẻ 4 tháng tuổi phải hoàn thành các mũi lao, vắc xin 5in1 hay 6 in1, phế cầu, rota virus… Nhưng có nhiều trẻ khi đến 1 tuổi vẫn chưa được tiêm đủ các mũi tiêm này.

Bên cạnh trẻ sinh non, nhẹ cân, nhóm trẻ mắc các bệnh mãn tính, bệnh bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa cũng thường xuyên khiến các bậc phụ huynh lo lắng nên “’kiêng” vắc xin. Tuy nhiên, theo chuyên gia của BV Nhi Trung ương, đây là một sai lầm tai hại.

Tại  đơn vị tiêm chủng của BV Nhi Trung ương, có 80% trẻ đến BV Nhi tiêm chủng là các cháu có bệnh mãn tính, tình trạng phải thận trọng… Với hệ thống cấp cứu, hồi sức và hệ thống sàng lọc như miễn dịch, tim mạch… trẻ vẫn hoàn toàn được tiến hành tiêm chủng khi cân nhắc đáp ứng các yếu tố an toàn. “Khi trẻ bị bệnh, cơ thể không toàn vẹn nên sức đề kháng sẽ yếu hơn thông thường, do đó, nhóm đối tượng này càng phải được theo dõi sát sao và tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ cơ thể”, tiến sĩ Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.

Đừng bỏ quên miễn dịch từ mẹ!

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, từ năm ngoái tới nay, hầu hết trẻ nhập viện do bệnh sởi đều không được tiêm chủng, không có miễn dịch với sởi. Hoặc, trẻ không được tiêm chủng, hoặc sinh ra từ mẹ không có miễn dịch với sởi. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ khuyến cáo tiêm phòng sởi đầy đủ cho trẻ từ 9 tháng tuổi, BV Nhi Trung ương khuyến cáo, các bà mẹ mang thai, phải thực hiện các mũi tiêm chủng có sởi trước khi mang thai. Bởi theo nhận định của BV, miễn dịch của bà mẹ có tác dụng cao trong sáu tháng đầu đời của trẻ. Trong nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng vẫn có thể bảo vệ được sức khỏe nhờ miễn dịch từ mẹ.

(Theo Phụ nữ TPHCM)

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em