Trang chủ » Nghiên cứu khoa học » Nhiễm vi rút viêm gan B ở các thành viên trong hộ gia đình: nghiên cứu cộng đồng tại một xã miền núi phía Bắc

Nhiễm vi rút viêm gan B ở các thành viên trong hộ gia đình: nghiên cứu cộng đồng tại một xã miền núi phía Bắc

Nhóm tác giả: PGS-TS-BS Nguyễn Văn Bàng, Bộ môn Nhi ĐHY Hà Nội,
ThS-BS Nguyễn Thị Vân Anh, Bộ môn Giáo dục Y học ĐHY Hà Nội,
ThS-BS Trịnh Xuân Long, Bệnh viện Nhi trung ương
Tóm tắt

Nhiễm virus viêm gan B (HBV) là vấn đề lớn của y tế cộng cộng, vì HBV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Mục tiêu. (1) Xác định tỷ lệ mang HBsAg ở các thành viên của các hộ gia đình tại một cộng đồng miền núi phía Bắc, (2) tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tình trạng mang HBsAg của quần thể này.

Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang tại cộng đồng trên 798 đối tượng là thành viên của 253 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên từ 980 hộ với 3250 thành viên ở xã Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai). Xác định HBsAg bằng kỹ thuật ELISA. Đánh giá mối liên quan về tình trạng mang HBsAg giữa các thành viên trong gia đình bằng test λ2, đánh giá nguy cơ mang HBsAg bằng phân tích đơn và đa biến logistic regression.

Kết quả. Có 12,4% (99/798) số đối tượng mang HBsAg, tập trung trong 70 hộ gia đình gồm 281 thành viên. Nam giới có tỷ lệ HBsAg(+) là 15,6% (54/346), cao hơn rõ rệt so với tỷ lệ 10% (45/452) ở nữ giới (p<0,02) [OR (95% CI.): 1,67 (1,09-2,55)] trong toàn quần thể nghiên cứu và 40,8% (53/130) so với 30,5% (46/151) (p=0,071) [OR (95%CI.): 1,57 (0,96-2,57)] ở những người từ 70 hộ gia đình có người HBsAg(+). Nhóm người lớn (>18 tuổi) có tỷ lệ HBsAg(+) là 14,5% (56/385), cao hơn so với 10,4% (43/413) ở những trẻ ≤18 (p=0,077) [OR (95% CI): 1,47 (0,96-2,24)] trong toàn quần thể nghiên cứu, và rõ rệt hơn, giữa 42,6% (55/129) so với 28,9% (44/152) (p=0,016), [OR (95% CI): 1,67 (1,09-2,55) trong những gia đình có người HBsAg(+). Bố luôn có tỷ lệ HBsAg(+) cao hơn các thành viên khác trong gia đình, kể cả trong toàn quần thể: 23,1% so với 10,6-11% (p=0,004), [OR (95% CI): 1,69 (0,73-3,92)], cũng như trong các gia đình có người HBsg(+): 61,5% so với 23,1-40,8% (p=0,001), [OR (95% CI): 2,91 (1,02-5,68)]. Trong nhóm 281 đối tượng thuộc 70 hộ gia đình có người HBsAg(+), con của những gia đình nhỏ (≤4 người) và ít con (1-2 con) có tỷ lệ HBsAg(+) cao hơn con các gia đình đông hơn (p=0,017) và đông con hơn (p=0,031); con đầu có tỷ lệ HBsAg(+) cao hơn các em (p=0,026). Chưa thấy có sự khác biệt về tỷ lệ HBsAg(+) giữa các nhóm dân tộc khác nhau cũng như chưa thấy rõ mối liên quan giữa tình trạng HBsAg(+) giữa mẹ và con.
Kết luận. Tỷ lệ HBsAg(+) ở quần thể nghiên cứu này nằm trong đặc điểm vùng dịch tễ cao của nước ta. Cần nghiên cứu sâu thêm các yếu tố khác bên ngoài hộ gia đình để làm sáng tỏ hơn vai trò lây truyền từ mẹ sang con cũng như vai trò tác động của gia đình đông đúc, nhiều con đối với tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B tại cộng đồng.
Từ khoá: Các dân tộc, cộng đồng miền núi phía Bắc, thành viên hộ gia đình, vi rút viêm gan B.

 

Chuyên mục: Nghiên cứu khoa học

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em