Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Nhiều thành tựu y tế trong năm 2013

Nhiều thành tựu y tế trong năm 2013

 

Năm 2013, dù phải đối mặt với không ít thách thức từ thiên tai, dịch bệnh và hệ lụy của những chính sách thiếu chặt chẽ giai đoạn trước đây… nhưng đội ngũ cán bộ ngành y vẫn luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Năm 2013, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của đất nước, ngành y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ giao. Việt Nam cũng được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tử vong trẻ em, giảm tử vong mẹ, phòng chống HIV/AIDS, sốt rét…”.

 

12

 

Nhân viên y tế thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng cho trẻ tại một trạm y tế ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển. Ngành y tế đã tập trung vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), các nguồn vốn ODA để đầu tư cho các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên một số bệnh viện (BV) đang quá tải trầm trọng. Giai đoạn 2008 – 2013, đã có 760 dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó có 594 BV/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực; 166 dự án BV tuyến tỉnh, trung ương và trường Đại học Y dược Cần Thơ. Ngành đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 460 BV huyện, 73 BV tỉnh, trung ương (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai), 70 phòng khám đa khoa khu vực… Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế tuyến xã, đồng thời thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

“Công tác y tế dự phòng trong năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, ngành y tế đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của một số bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2012, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 và A/H1N1, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh có vắcxin dự phòng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: 82,8% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắcxin, 80% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB), năm 2013, ngành y tế đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới như: Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhi bị ung thư máu; lần đầu tiên mổ nội soi thành công khối u ung thư qua lỗ tự nhiên; phẫu thuật thành công ca tách hai bé song sinh có phần dính liền phức tạp; thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do các bác sỹ trong nước thực hiện; ứng dụng Robot định vị trong phẫu thuật cột sống; ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi nhi khoa; ghép gan của người cho bị chết não; thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng người đã chết…

Việc nâng cao chất lượng KCB cũng đặc biệt được chú trọng. Ngành y tế đã nỗ lực cải tiến quy trình KCB giảm được từ 12 -14 bước xuống còn 4 – 7 bước, giảm trung bình được 40 phút chờ đợi cho một lượt khám bệnh. Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp khác như thực hiện “Quy tắc ứng xử đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”, thí điểm “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV” với 83 tiêu chí, làm cơ sở để xác định thực trạng và cải tiến chất lượng BV Việt Nam. Đặc biệt, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống quá tải BV, giảm dần tình trạng nằm ghép; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo cơ hội để người dân được trực tiếp phản ánh các vấn đề bức xúc với các cấp quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống KCB bằng y học cổ truyền tiếp tục phát triển từ Trung ương xuống địa phương, với 58 BV y học cổ truyền.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm và các dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện khó lường trước.

 

Phương Liên

(http://www.baotintuc.vn/)



Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em