Trang chủ » Y học thường thức » Những lưu ý về bệnh và phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét

Những lưu ý về bệnh và phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét

Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc đang phải đối mặt với đợt rét đậm, rét hại kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng kém, do đó bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh cho trẻ.

Th.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong hai ngày 27- 28/1 vừa qua đã có gần 20 bệnh nhân nhập viện do cúm A. Đa số các cháu đều có triệu chứng ban đầu là sốt, ho, khò khè, sổ mũi.

“Tại khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhân khám và điều trị nội trú trong những ngày rét vừa qua không tăng, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, sốt virus nặng tăng khoảng 30%” – TS Lê Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp cho hay.

Bệnh nhi viêm phổi đang được điều trị tại khoa Hô hấp

Theo BS Hanh, trời lạnh các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi – họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng. Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng (thở nhanh, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng…) để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, đề phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, cha mẹ cần chú ý:

– Đảm bảo giữ đủ ấm cho trẻ ( lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.

– Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…), ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín.

– Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn tiêm chủng.

Khánh Chi

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em