Trang chủ » Y học thường thức » Những “tinh thần thép” ở bệnh viện Nhi Trung ương!

Những “tinh thần thép” ở bệnh viện Nhi Trung ương!

 

Liên tục trong tình thế phải giành giật sự sống cho các bé từ tay “tử thần”, căng thẳng với áp lực công việc, cả chục ngày không được nhìn thấy con do phải cách ly, người đang mang bầu vẫn phải lao vào “trận chiến”, thêm việc liên tục bị người nhà bệnh nhi đe dọa tính mạng… là những gì mà các bác sĩ, y tá, điều dưỡng của BV Nhi TƯ phải trải trong gần 4 tháng qua. Khi chứng kiến những sự việc trên người viết bài này nghĩ rằng, họ quả phải có một “tinh thần thép” mới có thể vượt qua được những khó khăn, áp lực ấy!

Dịch sởi, bà bầu cũng… “chiến đấu”

Đến với BV Nhi TƯ vào những ngày này, không khí dường như dễ thở hơn, không còn cảnh quá tải, cũng không có cảnh bệnh nhi phải nằm ghép giường… Thế nhưng, với con số hơn ba trăm bệnh nhi đang nằm điều trị biến chứng do sởi, thì các y bác sĩ tại bệnh viện này vẫn chưa thể yên tâm. Biến chứng do sởi vô cùng nguy hiểm, bệnh nhi có thể lâm vào trạng thái nguy kịch bất cứ lúc nào, đặc biệt tỷ lệ tử vong cao. Vậy nên, các y bác sĩ vẫn đang phải “trực chiến” từng giây, từng phút giành giật sự sống của các bé từ tay… tử thần.

Hơn 100 y bác sĩ, điều dưỡng được phân đều cho các khoa phòng, từ khoa Truyền nhiễm, đến khoa Hồi sức Cấp cứu rồi Hồi sức Đặc biệt, mọi nguồn nhân lực từ cơ sở vật chất, kỹ thuật đến con người đều phải hoạt động với công suất tối đa, kịp phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ thì: Ở thời điểm cao điểm nhất, trung bình một bác sĩ và một điều dưỡng viên của bệnh viện sẽ phải phục vụ 15-20 bệnh nhi. Công suất công việc lúc nào cũng trên 300%, cường độ căng thẳng là thế, nên để đáp ứng được hết nhu cầu, phía bệnh viện còn phải huy động hơn 50 y tá và điều dưỡng viên từ các khoa phòng khác của bệnh viện sang trợ giúp.

BS. Nguyễn Phương Thảo tại Phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ

Quả thực, có chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, vất vả của các y, bác sĩ, mới thấy những hy sinh thầm lặng mà họ đã phải trải qua trong đợt dịch này. Tại ba phòng khoa chính đang tiếp nhận các bé bị sởi biến chứng, những máy thở tiên tiến nhất được trang bị, liên tục những bước chân bác sĩ, điều dưỡng đi lại, họ chú ý cập nhật từng thông số hiện lên trên máy và ghi lại theo từng giờ.

Ở phòng cấp cứu, không gian như tĩnh lại, tưởng chừng tiếng thở cũng chẳng thấy đâu chỉ có tiếng tít, tít của máy trợ thở là cứ vang lên từng hồi. Trong hàng chục những y, bác sĩ, điều dưỡng đang ở đây, được biết có người cả tháng trời không có thời gian dành cho gia đình, có trường hợp còn “đóng đô” luôn trong bệnh viện. Đặc biệt hơn là những bác sĩ, điều dưỡng viên đang mang thai cũng miệt mài… “trực chiến”.

Với bất kỳ ai thì mang thai cũng là thời gian cần được dưỡng sức, nhất là cần tránh những nơi đông người để thai nhi được đảm bảo an toàn tốt nhất. Thế mà, các bác sĩ, điều dưỡng viên vẫn phải lao vào cứu chữa. Điển hình như trường hợp của BS. Nguyễn Phương Thảo, khoa Truyền nhiễm. Khác hẳn với dáng vẻ nặng nề của bà mẹ có thai nhi ở tháng thứ 7, trông BS. Thảo lại khá nhanh nhẹn hoạt bát. Từ ngày dịch sởi hoành hành, chị không bỏ bất cứ một ca trực nào và hằng ngày chị chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cho hơn chục bệnh nhi.

Chị nói: “Người mẹ nào cũng lo lắng cho con nhưng công việc mình chọn nó đặc thù như vậy rồi, mình phải chấp nhận thôi. Điều mình có thể làm duy nhất là tìm cách phòng tránh, vệ sinh đúng cách để hạn chế tối đa vi rút không xâm hại đến sức khỏe của bản thân cũng như con của mình”.

Đối mặt với mối nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng không chỉ có thế, các chị còn phải làm việc với công suất cao hơn thường nhật. Theo lời chị Thảo thì, vì nằm vùng trong “tâm bão sởi” nên công việc cũng vất vả hơn, liên tục phải tăng ca, thậm chí thông ca 32 giờ/ngày là chuyện bình thường. Xưa nay, chị bao giờ cũng ăn uống đúng giờ nhưng khi có dịch lại thường xuyên phải bỏ bữa trưa.

Đang mang thai ở tháng thứ 4, điều dưỡng Hồ Thị Bích (SN 1986), Khoa Truyền nhiễm cũng miệt mài đi làm và còn tích cực “trực chiến” 24/24h: “Trong lúc dịch sởi hoành hành mà mình mang bầu thế này thì bản thân và gia đình cũng rất lo lắng. Dù rằng thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhưng mình cũng chưa thực sự an tâm. Tuy nhiên, khi mình đã chọn và mong muốn gắn bó với nghề này rồi thì đành phải cố gắng, công việc quá nhiều như vậy, mọi người ai cũng vất vả chứ đâu chỉ riêng mình…”.

Được biết, những ngày cao điểm, các chị đã phải làm mà không có thời gian nghỉ, bữa trưa nhiều khi 2 giờ chiều mới được ăn, rồi đang ăn thì lại bỏ dở vì có bệnh nhi phải cấp cứu. “Những hôm bệnh nhân nhập viện đông thì chẳng được một phút nào nghỉ ngơi. Chân lúc nào cũng như muốn khuỵu xuống. Đó là chưa kể những hôm trọng điểm, thiếu máy thở, các điều dưỡng ai cũng mỏi hết cả tay vì phải bóp bóng thở cả đêm cho các bé. Rồi lại khi tiêm bằng máy, bệnh nhân thì quá đông mà máy thì thiếu trầm trọng nên phải các điều dưỡng lại thay nhau dùng máy, cứ bé này xong lại chuyển cho bé khác. Việc luân chuyển diễn ra xoay vòng cả đêm đến sáng” – chị Bích tâm sự.

Theo BS. Trịnh Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Điều dưỡng thì: Với cường độ công việc cao mà nguồn nhân lực mỏng nên ngay cả khi tăng ca thì các đồng chí mang thai cũng vẫn phải làm nhiệm vụ như thường. Hiện tại, trong tổng số cán bộ công nhân viên thì số độ tuổi đang nuôi con và mang thai chiếm đến 60% nên việc trực chiến khó có thể châm chước cho bất kỳ trường hợp nào. Diễn biến khó lường của dịch sởi khiến các cán bộ thường xuyên phải xa nhà, thậm chí có trường hợp điều dưỡng viên nuôi con nhỏ, phải đi làm liên miên còn bị mất sữa. Vậy là khi về lại ngậm ngùi quay sang nuôi con bằng… sữa ngoài.

“Bão sởi” qua đi, nỗi đau ở lại

Căng thẳng với cường độ công việc là vậy nhưng trớ trêu ở chỗ các bác sĩ còn luôn bị các bậc phụ huynh đe dọa. Trường hợp của BS. Trần Thị Thu Hương (Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ) là một ví dụ. Chị kể ngày hôm đó đúng vào thời điểm dịch bệnh sởi hoành hành ác liệt nhất, bệnh viện thì quá tải, mỗi bác sĩ phải chăm sóc cùng lúc hơn chục bệnh nhi một ca. Lúc đó, có một cháu nhỏ trong phòng cấp cứu có biểu hiện khó thở do suy hô hấp cấp, tình trạng phổi suy giảm nhanh, thể trạng yếu dần, nhịp tim có biểu hiện rối loạn. Các bác sĩ ngay lập tức thay đổi phác đồ điều trị, một mặt cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhi, một mặt trấn an tinh thần gia đình. Bỗng nhiên, phụ huynh nhảy xổ ra đe chị với lời lẽ thô bạo: “Con tao mà có mệnh hệ gì thì tao giết cả họ nhà mày”. Dù có chút bàng hoàng, nhưng cố trấn tĩnh, BS. Hương đáp: “Giết tôi, xin để sau, bây giờ để tôi cứu con anh trước đã”.

Điều dưỡng Vũ Thị Mai Hương, khoa Hồi sức ngoại, BV Nhi TƯ

Và thế là chị tiếp tục lao vào công tác chuyên môn, sau hơn một tiếng vật lộn, nhịp tim của bệnh nhi đập ổn định trở lại. Bước ra khỏi phòng cấp cứu cũng là lúc chị cảm thấy mình như kiệt sức, đến nỗi không lết nổi bước chân.

Theo chị Hương thì những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa. Với những bác sĩ, điều dưỡng làm việc lâu năm, có kinh nghiệm ứng phó với những tình huống này thì không vấn đề còn với các bác sĩ, y tá trẻ có khi họ còn bật khóc tại chỗ. Chị Hương cho hay: Mình cũng là những người cha, người mẹ nên mình hiểu được cảm giác của các bậc phụ huynh khi con cái đứng trước bờ vực của cái chết, nghĩ như vậy nên mình thương họ nhiều hơn chứ không hề trách móc. Nếu ở trong trường hợp đó, bản thân mình cũng đâu thể giữ bình tĩnh được. Nói như muốn giấu nghẹn ngào trực dâng lên, chị quay đi lau vội nước mắt.

Thực tế những vất vả, khó khăn hay những lời “đe dọa” của gia đình các bệnh nhi cũng chẳng là gì so với những nỗi đau bất lực của các bác sĩ giữa vùng tâm dịch. “Ba tháng dài đằng đẵng như cả thế kỷ, đã không ít lần chúng tôi phải khóc. Khóc khi làm việc, khóc khi nhớ và ám ảnh về những hình ảnh bệnh nhi hấp hối… và khóc khi mọi cố gắng trở nên vô ích. Chúng tôi bất lực nhìn các bé ra đi…” – điều dưỡng Vũ Thị Mai Hương, khoa Hồi sức ngoại tâm sự.

Với những khoa đặc thù như Hồi sức ngoại, các bệnh nhi được chuyển đến đây điều trị đều trong tình trạng nguy kịch, các bệnh nhi sẽ phải cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, thêm vào đó phụ huynh cũng không được tiếp xúc với trẻ. Trong hoàn cảnh này thì, điều dưỡng viên không chỉ là một điều dưỡng thông thường mà họ còn đóng vai trò như những người cha, người mẹ phải chăm bẵm, nâng giấc từng bữa ăn, vệ sinh thân thể, thay tã… cho trẻ.

Vừa lấy khăn lau mặt cho một bệnh nhi trong phòng cấp cứu, chị Hương thì thào, bé đang lâm vào tình trạng nguy kịch. Đây là một trong 3 bé đang phải sử dụng máy Ecmo, một hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể tiên tiến nhất hiện có ở bệnh viện để bé có thể phục hồi một cách nhanh nhất. Lát rồi chị ngậm ngùi: “Bố mẹ của bệnh nhi đã túc trực ở đây hơn một tháng rồi, cứ mỗi bận phải gặp họ để thông báo tình hình sức khỏe của bé, mình luôn nói tình trạng bé khả quan hơn, mình không muốn dập tắt niềm tin nơi họ, rồi sẽ có một phép nhiệm màu, đúng không?”.

Điều dưỡng Đặng Thị Phương bật khóc khi nhớ về các bệnh nhi

Gắn bó với các bệnh nhi là thế, nên không ít lần bất lực nhìn các bé ra đi,chị Hương đã không khỏi bị sốc. Dù sự việc đã xảy ra cách đây hơn một tháng, nhưng trường hợp khiến cô điều dưỡng sinh năm 1986 này ám ảnh mãi là bé P.V.H, một bé trai khá kháu khỉnh đến từ Hưng Yên. Khi bệnh nhi H được chuyển lên từ khoa Truyền Nhiễm, cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, đã được đặt ống trợ thở, nhưng vì phổi suy cấp, máu trào ra từ ống thực quản, mũi, miệng… Và thế là dù mới được chuyển lên từ 23h đêm hôm trước, đến sáng sớm hôm sau các bác sĩ đã phải đầu hàng. Khóc nấc lên như thể mất đi người thân trong gia đình, điều dưỡng Hương kể: “Nghe tin con mình mất, mẹ của cháu bé đã ngất lên ngất xuống, nhìn cảnh tượng đó tôi chẳng thể cầm lòng. Bản năng của một người mẹ khiến chân tôi như muốn khuỵu xuống”.

Còn với điều dưỡng Đặng Thị Phượng, khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ người đã có kinh nghiệm chiến đấu với dịch bệnh hơn 30 chục năm nay thì cho rằng: Chưa năm nào sởi lại có những biến chứng đáng sợ và tỷ lệ tử vong cao như năm nay. Trong suốt đợt dịch vừa qua, chứng kiến cả chục bệnh nhi ra đi, bà không khỏi xót xa. Theo bà, những đứa trẻ vẫn còn quá non nớt, ra đi chỉ như một giấc ngủ nhẹ nhàng, lại càng ám ảnh hơn.

Rớt nước mắt khi nhớ về trường hợp của cháu L.D.K. (4 tuổi, Hải Phòng), bà Phượng kể: “K. nhập viện trong trạng thái vẫn còn khỏe mạnh, bị suy hô hấp nhưng K. vẫn nhanh nhẹn chơi được đồ chơi. Ấy thế nhưng chỉ chừng hơn 10 tiếng nhập viện, phổi của K đã biến chứng nặng, hai ngày sau thì bé qua đời. Nhìn bé như một thiên thần đang ngủ, tất cả các y bác sĩ tại phòng cấp cứu đều bật khóc”.

Sởi vốn là một bệnh lành tính, nhưng đến năm nay hậu quả nặng nề do sởi biến chứng đã để lại những đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp. Chính PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã rớt nước mắt xót xa khi ngày lại ngày, số lượng bệnh nhi ra đi do sởi tăng lên càng nhiều, ông bảo đó là nỗi đau sẽ chẳng thể quên bởi: “Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện tuyến cao nhất, có điều kiện cung cấp các phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất về điều trị cho các bệnh nhân nhi nên khi con em mình mắc phải bệnh, các gia đình đều mong muốn đưa con đến đây để chữa trị. Nhưng trong đợt dịch sởi này vì bệnh nhân ở các nơi đưa về quá nhiều,tình trạng quá tải thực sự vượt quá khả năng phục vụ cũng như kiểm soát của bệnh viện. Và cũng chính điều đó đã mang tới cho tôi một nỗi đau, đó là việc không thể kiểm soát, không thể điều phối, càng không thể phục vụ các bệnh nhi như đúng những mong muốn của mình, dẫn đến nhiều trẻ phải ra đi…”.

Tiếc nuối là một điều không thể tránh, nhưng quả thực vẫn không thể phủ nhận những hy sinh của các y, bác sĩ đã nỗ lực. Đã có những em bé được cứu sống, đã có những mối tình thân như người trong cùng một gia đình làm sức mạnh để vượt qua bao khó khăn. Vậy mới nói, không có một tinh thần thép thì họ, những y bác sĩ đang ngày đêm giành giật sự sống cho các bé từ tay “tử thần” sẽ chẳng trụ vững mà chống chọi với cơn bão sởi…!

Huyền Anh



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em