Trang chủ » Y học thường thức » Nỗi lòng y bác sĩ trong “trận chiến” chống dịch sởi

Nỗi lòng y bác sĩ trong “trận chiến” chống dịch sởi

Những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân nhiễm sởi tại bệnh viện Nhi Trung ương đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên các bệnh nhi bị biến chứng nặng do sởi vẫn còn khá nhiều, diễn biến bệnh còn phức tạp. Điều ấy đồng nghĩa với việc các y bác sĩ tại bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn tiếp tục phải căng mình tham gia “trực chiến”…

                        

                                            Điều dưỡng Chu Thị Anh dù sắp đến ngày sinh nhưng vẫn miệt mài với công việc

Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, không khí làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng diễn ra vô cùng tập trung và khẩn trương. Điều dưỡng Chu Thị Anh, hiện mang thai ở tuần 35, dù sắp đến ngày sinh nở vẫn miệt mài với công việc. Theo chị Anh, đã 5 tháng nay chị chưa có thời gian đi khám thai, chẳng biết tình trạng của thai nhi thế nào, phát triển ra sao. Chị chia sẻ: quãng thời gian cao điểm của dịch, số lượng bệnh nhân quá đông, các nhân viên trong khoa luôn trong tình trạng căng thẳng, làm việc đến 200-300% công suất. “Cứ hàng ngày sáng sớm đến viện, tối mịt mới về nhà mà nhiều khi còn chưa hết việc. Hôm nào trực thì phải làm thâu đêm 24/24 giờ, sáng hôm sau mới được nghỉ ngơi. Cũng may vợ chồng mình ở cùng ông bà ngoại nên chuyện cơm nước, con cái đã có ông bà lo giúp, chứ nếu không thật chẳng biết xoay xở ra sao”.

“Cách đây hơn 1 tuần, con gái lớn của mình bỗng dưng sốt, nổi ban trên người, mắt thì xung huyết, mình và gia đình nghĩ cháu mắc sởi. Trong thời gian theo dõi mình cứ áy náy, chỉ sợ chính mình là người mang mầm sởi về nhà lây cho con, lo lắng vô cùng, cũng may cháu sốt vài ngày rồi khỏi” – Chị Chu Thị Anh kể lại.

Đã gần 12 giờ trưa, thế nhưng điều dưỡng Đặng Thị Dung vẫn tất bật với các bệnh nhân phòng Cấp cứu – khoa Truyền nhiễm. Với thâm niên 32 năm công tác tại bệnh viện, cô Dung là một trong những điều dưỡng lớn tuổi nhất của khoa. Cô cho biết, ròng rã hơn 4 tháng nay, các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc với những áp lực rất lớn. Chuyện làm việc thông trưa, những bữa ăn chớp nhoáng 5-10 phút rồi lại lao vào làm việc đã không còn gì xa lạ. “Có những đêm trực, 8 điều dưỡng của khoa phải chăm sóc cho 80 bệnh nhân. Đang cấp cứu bệnh nhân ở giường bên này, thì giường bên kia cũng có cháu ngừng thở, chúng tôi xoay như chong chóng, nhiều khi thấy choáng váng, chóng mặt cũng không dám nghỉ, cứ gồng lên mà làm thôi.”

                            

                                                   Cô Đặng Thị Dung luôn tay luôn chân chăm sóc cho các bệnh nhi

Theo cô, hơn 30 năm công tác trong nghề, đã tiếp xúc nhiều với nhiều bệnh nhân sởi nhưng chưa bao giờ cô chứng kiến trận dịch nào có diễn biến phức tạp như năm nay. “Có đêm mình trực mà đến 3 cháu tử vong, mình thay quần áo cho các cháu mà không cầm nổi nước mắt, phải chạy ra hành lang đứng khóc… Các y bác sĩ cũng làm hết sức mình rồi, nhưng đều là các cháu bị biến chứng quá nặng, chúng tôi xót xa lắm chứ, đau đớn lắm chứ. Bản thân tôi cũng luôn đặt địa vị mình vào người cha, người mẹ khi chăm sóc cho các cháu, để thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của gia đình người bệnh, động viên gia đình cố gắng vững tâm chăm sóc để các cháu sớm được ra viện.”

Dù công việc có áp lực, vất vả đến đâu nhưng chỉ cần được mọi người thấu hiểu và cảm thông, thì các y bác sĩ cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều. May mắn nữa là mình lại có gia đình ủng hộ. Hôm rồi, con trai lớn nhà mình sau khi đọc những bài viết trên báo, trên các diễn đàn về dịch sởi vừa qua cũng đã gửi cho mẹ tin nhắn: “Mẹ ơi, con chúc mẹ mạnh khỏe, yên tâm công tác. Cả gia đình tự hào và yêu mẹ rất nhiều”. Chỉ thế thôi mà mình xúc động rơi nước mắt, cảm thấy như có thêm sức mạnh để ngày mai lại tiếp tục hết mình với công việc… – Cô Đặng Thị Dung tâm sự.

                                                                                                                                                                                    Khánh Chi

 



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em