Trang chủ » Nghiên cứu khoa học » Nôn ở trẻ em

Nôn ở trẻ em

Tác giả: PGS.TS Lê Thanh Hải

Nôn là một hoạt động phối hợp mạnh để tống những chất chứa trong dạ dày ra đường miệng. Nôn thường thoáng qua do nhiễm khuẩn, ngộ độc hoá chất hay rối loạn tâm lý nhẹ nhưng cũng thường do các nhiễm khuẩn nặng, rối loạn chuyển hoá, bệnh của đường tiêu hoá, thần kinh hoặc ở các nội tạng quan trọng khác. Vì nguyên nhân gây nôn có rất nhiều nên bắt buộc phải tiếp cận bệnh nhân bị nôn có trình tự để giúp chúng ta tìm được nguyên nhân và xử trí đúng không bị bỏ sót.

Tiếp cận chung: bảng liệt kê các nguyên nhân của nôn ở trẻ theo các lứa tuổi dưới đây sẽ giúp tập trung tiếp cận một cách có hệ thống để chẩn đoán phân biệt hội chứng này. Trong bước tiếp cận chung này cần tập trung ba vấn đề: tuổi của trẻ, có bằng chứng tắc ruột hay không và các triệu chứng hay hội chứng bệnh của các cơ quan ngoài ổ bụng. Ngoài ra cần phải chú ý đến đặc điểm, tính chất của nôn, mức độ nặng của bệnh và các hội chứng liên quan đến hệ tiêu hoá.

Hỏi bệnh sử: bệnh sử cần phải tập trung vào các yếu tố đã nêu ở trên. Trong đó, tuổi của trẻ cần hỏi chính xác vì rằng mỗi một lứa tuổi cần có nguyên nhân đặc trưng thường chỉ xảy ra ở lứa tuổi đó mà thôi (trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ hay ở trẻ trên một tuổi). Bằng chứng của tắc ruột bao gồm các hội chứng của đau bụng, táo bón, buồn nôn, bụng trướng kèm theo dấu hiệu nôn. Các hội chứng liên quan đến hệ tiêu hoá như tiêu chảy. biếng ăn, đầy hơi, thường xuyên ợ hơi kèm luồng trào ngược.

Các hội chứng bệnh của cơ quan ngoài ổ bụng như hội chứng thần kinh: đau đầu dữ dội, cổ cứng, nhìn mờ, nhìn đôi, vụng về, thay đổi tính cách hoặc các hoạt động ở trường học, các dấu hiệu mệt mỏi, kích thích, khó chịu kéo dài… hoặc như hội chứng của đường sinh dục tiết niệu: đau thắt lưng, đái khó xảy ra cấp tính hay thường xuyên, mất kinh…hoặc hội chứng nhiễm trùng; sốt, kèm theo các rối loạn về đường hô hấp. Đặc điểm, tính chất của chất nôn (hỏi và quan sát trực tiếp chất nôn) thường giúp xác định được vị trí thương tổn. Chất nôn là sữa hoặc thức ăn chưa tiêu hoá gợi ý có luồng trào ngược từ thực quản hay từ dạ dày do tổn thương tại thực quản (teo thực quản ở trẻ sơ sinh), luồng trào ngược dạ dày- thực quản hoặc hẹp môn vị. Nôn dịch mật gợi ý bị tắc dưới bóng Vater, tuy nhiên nôn dịch mật còn có thể xảy ra khi bị nôn kéo dài do bất cứ nguyên nhân gì làm cho tâm vị bị mở.

Tài liệu hoàn chỉnh ( xem tệp đính kèm)
Chuyên mục: Nghiên cứu khoa học

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em