Trang chủ » Y học thường thức » Phẫu thuật cắt gan cứu sống bé trai suy tim do dị dạng mạch máu hiếm gặp

Phẫu thuật cắt gan cứu sống bé trai suy tim do dị dạng mạch máu hiếm gặp

Bé Bảo,2 tháng tuổi, có khối u máu lớn ở gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng bị đe dọa. Nhờ phát hiện sớm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương đã kịp thời phẫu thuật cắt bỏ phần gan phải, giúp kiểm soát tốt tình trạng suy tim của trẻ. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý này được cứu sống tại bệnh viện Nhi.

Bé Bảo, 2 tháng tuổi, có khối u máu lớn gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng bị đe dọa. Nhờ phát hiện sớm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương đã kịp thời phẫu thuật cắt bỏ phần gan phải, giúp kiểm soát tốt tình trạng suy tim của trẻ. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý này được cứu sống tại bệnh viện Nhi.

                               

Bé Bảo được bác sĩ chăm sóc tại khoa Hồi sức tim mạch

Sau 17 ngày chỉ được ngắm con qua cửa kính buồng cách ly, chị Thảo (Sơn Đông, Bắc Giang) hạnh phúc khi được đón hình hài bé bỏng của con trở về bên vòng tay. Chị vô cùng xúc động khi nghe bác sĩ thông báo bé Đoàn Thế Bảo- con chị đã vượt qua giai đoạn nguy kịch nhất, sức khỏe của bé đang trên đà hồi phục.

Người mẹ với gương mặt tái đi vì mệt, đôi mắt thâm quầng sau nhiều ngày túc trực ở bệnh viện chăm con, chia sẻ: bé Bảo bắt đầu có những cơn ho nhẹ khi mới 24 ngày tuổi, sau ho bé khó thở, kèm những cơn tím. Đưa con tới khám tại bệnh viện huyện, chị như chết lặng khi nghe bác sĩ chẩn đoán con mắc tim bẩm sinh có tăng áp phổi nặng chưa rõ nguyên nhân. Ngày 4/5/2015 bé được đưa vào đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung Ương trong tình trạng nguy kịch: khó thở, suy hô hấp, tím tái.

Tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, phim chụp X-quang của cháu Bảo cho thấy bóng tim rất to, siêu âm tim thấy tim phải giãn nhiều, áp lực buồng tim phải cao – đây là các biểu hiện của suy tim nặng. Bác sĩ Lê Hồng Quang- Phụ trách đơn vị Hồi sức Tim mạch cho biết, suy tim ở trẻ em thường do 3 nhóm nguyên nhân: bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý cơ tim hoặc rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm loại trừ hoàn toàn khả năng bé Bảo mắc các bệnh này. Dấu hiệu huyết động bất thường kết hợp tình trạng tăng áp phổi nặng hướng các bác sĩ tới khả năng trẻ bị bệnh lý ngoài tim, nhiều khả năng là ở gan. Siêu âm Dopler gan cấp cứu phát hiện khối u máu lớn ở gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan. Đây chính là thủ phạm khiến cháu bé suy tim nặng, tăng áp phổi nặng. Ngày 14/05 sau cuộc hội chẩn giữa chuyên khoa Tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức ngoại và ngoại khoa, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt gan cấp cứu cho cháu Bảo ngay trong chiều hôm đó.

PGS.TS Trần Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: “Cắt gan phải là một phẫu thuật lớn và phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu. Khó khăn càng nhiều khi bệnh nhân mới 40 ngày tuổi và đang trong tình trạng cấp cứu, suy hô hấp, suy tim. Nguy cơ chảy máu trong mổ cao hơn so với các ca cắt gan thông thường vì đường thông động-tĩnh mạch bất thường khiến phần gan phải bị tăng tưới máu, tĩnh mạch gan phải giãn rất lớn. Nhờ sự phối hợp tốt giữa các ê-kip, ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ: trong mổ các mạch máu được chủ động kiểm soát, cháu bé được cắt gan an toàn.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, bé Bảo được chăm sóc tích cực tại phòng cách ly khoa Hồi sức ngoại. Ngay sau mổ các thông số về hô hấp của trẻ bắt đầu được cải thiện. Sau hơn 2 tuần được chăm sóc tích cực tại khoa, tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bé Bảo được kiểm soát tốt . Dự kiến cháu có thể ra viện trong thời gian tới.

Đồng hành cùng gia đình bé Bảo trong cuộc chiến chống lại bệnh tật từ những ngày đầu là đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng thuộc nhiều chuyên khoa. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết: “suy tim do dị dạng mạch máu trong gan như cháu Bảo là trường hợp khó phát hiện và rất hiếm gặp. Chúng tôi hy vọng thành công của ca bệnh này sẽ là tiền đề để nhiều trẻ em mắc các bệnh về tim do nguyên nhân tương tự được cứu sống”.

Lê Mai

 

 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em