Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở về bệnh tự kỷ

Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở về bệnh tự kỷ

                           

Đoàn chuyên gia nhận món quà lưu niệm là bức tranh do cháu Gia Bảo, 13 tuổi, bệnh nhân mắc tự kỷ vẽ tặng

Sáng 22/9, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Medrix- Hoa Kỳ tổ chức chương trình tập huấn kéo dài 5 ngày mang tên “Lập kế hoạch và can thiệp cho trẻ tự kỷ”. Đợt tập huấn này nhằm nâng cao khả năng nhận biết, đánh giá và sàng lọc trẻ tự kỷ cho bác sĩ, cán bộ tâm lý của các  bệnh viện tỉnh khu vực miền Bắc và Bệnh viện Nhi Trung ương. 

 Các chuyên gia đến từ Medrix – tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ có trụ sở tại Việt Nam – đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc nhận biết, đánh giá trẻ tự kỷ, cũng như chiến lược làm tăng giao tiếp và giảm hành vi thách thức ở bệnh nhi.

 Chủ đề được tập trung bàn luận là Phân tích Hành vi Ứng dụng (ABA), một phương pháp được nghiên cứu, ứng dụng và sử dụng nhiều nhất trong can thiệp tự kỷ. Phương pháp này hiện đang được áp dụng hiệu quả tại các quốc gia phát triển và được đánh giá là hữu hiệu với tự kỷ. 

 ABA là một hệ thống can thiệp dựa trên lý thuyết cho rằng hành vi có thể được dạy thông qua một hệ thống phần thưởng và hệ quả. Trẻ được giao thực hiện một nhiệm vụ nào đó và khi nhiệm vụ này được hoàn thành tốt, trẻ sẽ nhận một phần thưởng để củng cố hành vi này. Như vậy, ABA giúp điều chỉnh hành vi theo hướng củng cố những hành vi mong muốn ở bệnh nhi tự kỷ. Bên cạnh đó ABA cũng được thiết kế để dạy các kỹ năng sống, từ các động tác cơ bản như tắm rửa, mặc quần áo, tới những kỹ năng phức tạp hơn như tương tác xã hội. Theo các chuyên gia, hơn một nửa số trẻ tham gia trị liệu toàn thời gian ở cường độ cao đã có những tiến bộ về hành vi.

 Song song với phần lý thuyết là các giờ thực hành đánh giá và can thiệp cho các bệnh nhi tại khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương, với sự hưởng ứng của đông đảo thành viên Câu lạc bộ Cha mẹ bệnh nhân tự kỷ. Trong số đó có một thành viên đặc biệt, bác Nguyễn Thị Thơm 70 tuổi đến từ Vũng Tàu, bà nội của bé Nguyễn Nguyên Khôi, 4 tuổi, được chẩn đoán mắc tự kỷ đã gần 3 năm nay. Khác với những lần phải đợi chờ cháu ngoài cửa lớp học, lần này, bác Thơm đã tận mắt quan sát cháu mình được các chuyên gia dạy kỹ năng trong lớp học, lắng nghe các bác sĩ chuyên ngành đánh giá tình trạng bệnh của Khôi và đưa ra nhiều chỉ dẫn về cách tương tác, giáo dục trẻ tự kỷ trong gia đình. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành đã giúp các học viên nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn.

 

Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng khám và điều trị trẻ tự kỷ

 Hiện nay, các trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng và giáo dục cho trẻ tự kỉ được mở ra ngày càng nhiều, môi trường giáo dục tương đối tốt, nhưng chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình trẻ tự kỉ và chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc. Tại nhiều địa phương, chương trình giáo dục cho trẻ tự kỷ còn chưa có sự thống nhất, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác tâm lý còn hạn chế nên vấn đề điều trị và giáo dục trẻ tự kỷ vẫn gặp nhiều khó khăn.

                            

Cùng học viên thảo luận các ca bệnh

 Là một trong số ít đơn vị chăm sóc sức khoẻ Tâm bệnh trẻ em ở Việt Nam, ngoài chức năng khám, điều trị, chăm sóc về sức khoẻ Tâm bệnh (rối loạn tâm căn và loạn thần, các khó khăn học đ­ường…) cho trẻ em khu vực phía Bắc, khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương còn chú trọng công tác đào tạo tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh. Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm bệnh, chia sẻ: “Việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ. Các cán bộ này là những người tiếp xúc gần gũi và hiểu rõ nhất mong muốn của gia đình người bệnh”.

Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, số lượng trẻ đến kiểm tra và sàng lọc tự kỷ hàng tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn là nhiều cha mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ hoặc không chịu thừa nhận con mắc chứng bệnh này. Điều trị tự kỷ là hành trình gian nan, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa thân nhân trẻ bệnh, các cán bộ y tế và người nuôi dạy trẻ. Lòng kiên nhẫn, sự nhiệt huyết và năng lực chuyên môn của những người làm công tác trị liệu cũng cần được nâng cao từng ngày.

 Lê Mai



Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em