Trang chủ » Y học thường thức » Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày ruột

Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày ruột

 

 
Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc (lớp lót) của đường tiêu hóa. Tại Mỹ, viêm dạ dày ruột do virus chỉ xếp thứ hai sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hầu hết trẻ nhỏ mắc bệnh này ít nhất 2 lần mỗi năm, bé đi nhà trẻ có thể bị thường xuyên hơn. Sau 3 tuổi, nhờ sự phát triển đáng kể của hệ miễn dịch, bệnh ít xảy ra hơn.   
 
 

 

 

Nguyên nhân

  • Virus là thủ phạm chính gây viêm dạ dày ruột, trong đó hay gặp nhất là rotavirus và adenovirus.
  • Các vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, Shigella, tụ cầu, campilobacter, E. coli cũng có thể gây bệnh.
  • Các ký sinh trùng (chẳng hạn gardia) là tác nhân gây bệnh hiếm gặp hơn.

 

Triệu chứng
 
Các triệu chứng chính của bệnh bao gồm: tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, sốt, ớn lạnh và đau người. Các biểu hiện này có thể nhẹ hoặc nặng, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
 
Đường lây lan
  • Virus gây viêm dạ dày ruột rất dễ lây lan. Bé có thể mắc bệnh do ăn phải thực phẩm chứa mầm bệnh hoặc dùng chung cốc, thìa với người nhiễm virus (một người có thể mang virus mà không có biểu hiện bệnh).
  • Nếu thủ phạm là vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, có thể bé đã dùng thực phẩm hoặc nước uống mang mầm bệnh.
  • Bé cũng có thể lây bệnh do tiếp xúc với phân nhiễm khuẩn, sau đó vô tình đưa tay lên miệng. Điều nghe có vẻ kỳ quặc này xảy ra rất thường xuyên, nhất là khi bé đi nhà trẻ hay mẫu giáo. Bạn nên nhớ các vi khuẩn gây bệnh có kích thước rất nhỏ, vì thế kể cả khi tay bé trông không bẩn thì vi khuẩn vẫn có thể bám đầy bàn tay.

 

Các dấu hiệu cảnh báo
 
Hãy tham vấn bác sĩ nếu bạn nghĩ bé bị viêm dạ dày ruột, nếu bé nôn kéo dài hơn 2 ngày hay đi ngoài phân có máu, hoặc quấy khóc bất thường.
 
Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy con có biểu hiện mất nước:
  • Đi tiểu ít (quá 6 tiếng không phải thay bỉm)
  • Ngủ nhiều và quấy khóc hơn bình thường
  • Khát nước trầm trọng
  • Môi khô
  • Mắt trũng
  • Thóp lõm
  • Da nhăn nheo
  • Khóc không ra nước mắt
  • Tay chân lạnh, nhợt nhạt.

 

Trường hợp bé nguy kịch do mất nước, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Bé có thể được nhập viện hoặc chỉ theo dõi trong vài giờ.
 
Nếu xét nghiệm máu và phân phát hiện thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bé có thể được chỉ định dùng kháng sinh. Cha mẹ không nên quá lo lắng. Nhiều khả năng bé sẽ sớm được ra viện và trở lại bình thường sau vài ngày. 
 
Điều trị
  • Nếu bé nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể sẽ kê kháng sinh. Thuốc này không giúp ích cho viêm dạ dày ruột do virus (khi nhiễm virus nói chung, thường không có cách gì khác là đợi bệnh đi hết con đường của mình). Không được dùng thuốc cầm tiêu chảy vì điều này chỉ làm bệnh tình kéo dài thêm và có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Nếu bé bị sốt và cảm thấy khó chịu, bác sĩ có thể chỉ định dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Đừng bao giờ cho trẻ uống aspirin bởi thuốc này có thể gây hội chứng Reye’s, căn bệnh hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nguy cơ chết người.   
  • Mất nước là một vấn đề cần được quan tâm khi trẻ bị mất dịch, thông qua nôn, tiêu chảy hay sốt.
  • Tùy theo mức độ nôn và lượng nước bé có thể giữ lại sau những lần uống, bác sĩ có thể chỉ định dung dịch điện giải Oresol. Dung dịch này giúp bù lại các thành phần mất đi như dịch, chất khoáng và muối.
  • Trường hợp bé nôn liên tục khi bú mẹ hoặc bú bình, bác sĩ có thể khuyên bạn cho bé nhấp từ từ dung dịch oresol trong suốt cả ngày cho đến khi bé hết nôn và dần trở lại chế độ ăn bình thường.
  • Khi tìm cách bù nước cho con, bạn nên tránh xa các loại đồ uống nhiều đường như nước quả, soda, vì chúng có thể khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Bệnh viêm dạ dày ruột có thể gây tổn thương tạm thời niêm mạc ruột, khiến việc tiêu hóa thực phẩm giàu đường trở nên khó khăn.  
  • Nếu bé đã biết ăn thức ăn đặc và chỉ bị viêm dạ dày ruột nhẹ (chẳng hạn tiêu chảy nhẹ nhưng không nôn), có thể tiếp tục cho bé ăn thức ăn quen thuộc với khối lượng nhỏ trong suốt quá trình bị bệnh. Không cần dùng Oresol vì sữa mẹ hoặc sữa công thức đủ đáp ứng nhu cầu nước của bé.

 

Chế độ ăn
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi các biểu hiện của con bạn. Bé có thể được ăn uống gần như bình thường hoặc có thể cần hạn chế đồ ăn đặc trong vài ngày.
  • Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ mắc bệnh viêm dạ dày ruột sớm trở lại chế độ ăn bình thường (nhưng vẫn phải kiêng thực phẩm giàu chất béo). Chế độ ăn này bao gồm các thành phần chính như tinh bột (cơm, cháo), thịt nạc, sữa chua, rau và quả.
  • Nghiên cứu cho thấy việc trở lại chế độ ăn bình thường ngay sau khi các triệu chứng cấp tính thuyên giảm có thể rút ngắn đợt viêm dạ dày ruột được nửa ngày, nhờ cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cơ thể chiến đấu với vi trùng. Mặt khác nếu bệnh nhiễm trùng khiến bé chán ăn trong vài ngày thì cha mẹ cũng đừng quá lo. Chỉ cần bé được cung cấp đủ nước thì mọi chuyện sẽ vẫn ổn.

 

Phòng bệnh
  • Bạn cần rửa tay thật sạch bằng nước và xà phòng sau mỗi lần thay tã cho bé, sau mỗi lần đi vệ sinh hay trước và sau khi ăn. Người trông trẻ và các thành viên trong gia đình cũng cần tuân thủ quy tắc này. Cha mẹ nên thường xuyên rửa tay cho bé trong suốt cả ngày.
  • Điều quan trọng hơn cả là đảm bảo vệ sinh khi chuẩn bị và chế biến đồ ăn cho bé.
  • Tại Việt Nam, vắc xin phòng tiêu chảy do rotavirus được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở lên, uống 2 lần cách nhau ít nhất 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi.

 

 

Lê Mai (theo Baby Center)
 



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em