Trang chủ » Y học thường thức » U buồng trứng ở trẻ em – khó phát hiện, dễ gây biến chứng

U buồng trứng ở trẻ em – khó phát hiện, dễ gây biến chứng

Ngày 18/10, bé gái Lê Phương Lan (11 tuổi, Hà Nội) được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu - bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nôn, kèm theo đau bụng từng cơn. Qua thăm khám và siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện trẻ có khối u buồng trứng bên trái, có khả năng bị xoắn, phải tiến hành mổ cấp cứu.

 

                                                                           (Ảnh minh họa)

 

Phẫu thuật nội soi xác nhận cháu Lan bị u nang buồng trứng trái, xoắn một vòng. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u, bảo tồn buồng trứng, đồng thời cố định buồng trứng bên phải cho cháu.

Cũng mắc bệnh như cháu Lan nhưng Đào Minh Anh (12 tuổi, Hải Phòng) không may mắn như vậy. Khối u buồng trứng nặng tới 3 kg mới chỉ được phát hiện và mổ bóc tách ngày 20/10 vừa qua, khi cháu tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Do khối u được phát hiện muộn và đã phát triển quá lớn nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng của bệnh nhi. Trước đó 2 tháng gia đình có nhận thấy bụng của con mình to hơn bình thường, nhưng vì cháu không có biểu hiện bất thường nào khác nên cha mẹ chần chừ không đưa trẻ đi khám ngay. 

Ts Phạm Duy Hiền, phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho 2 cháu bé, cho biết u buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.  

U buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn). U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính. Xoắn cuống khối u thường gây đau bụng dữ dội, trong khi vỡ u gây đau bụng kèm dấu hiệu chảy máu bên trong. 

                         

Theo TS Hiền, phương thức điều trị u buồng trứng phụ thuộc tuổi của bệnh nhi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển của bệnh. Phẫu thuật nội soi mang lại tỷ lệ thành công lớn, đặc biệt là ở trẻ gái và nữ vị thành niên. Trong hơn 90% trường hợp, các bác sĩ có thể bảo tồn được một phần buồng trứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều.


TS Hiền khuyến cáo, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa nếu thấy có một trong các triệu chứng: 


– Đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, nôn, đôi khi trẻ có thể bị choáng vì đau.


– Bụng to bất thường. 


– Sờ thấy khối ở vùng bụng kèm theo đau ở vùng này.

 

Khánh Chi


*Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

 



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em