Trang chủ » Y học thường thức » Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị bệnh ho gà

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị bệnh ho gà

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.

Bệnh ho gà lây truyền theo đường nào?

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…

Biểu hiện của bệnh ho gà:

  • Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ.
  • Giai đoạn kịch phát:

+ Cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ.

+ Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.

(Ảnh minh họa)

  • Giai đoạn hồi phục: Cơn ho ngắn lại, số cơn giảm. Ho còn có thể tồn tại trong vài tuần

Các yếu tố tiên lượng bệnh của trẻ nặng?

Trẻ bị ho gà có kèm theo 1 trong các yếu tố sau tiên lượng bệnh của trẻ sẽ là nặng:

  • Trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng
  • Ăn uống kém, nôn nhiều.
  • Cơn ngừng thở kéo dài.
  • Co giật
  • Viêm phổi

Trẻ bị bệnh ho gà có thể chăm sóc tại nhà được không?

Với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ: Số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt, những trường hợp này mẹ có thể chăm sóc tại nhà.

  • Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích như: khói thuốc lá, bụi, hóa chất.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích.
  • Với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
  • Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối
  • Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh
  • Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
  • Ăn kém, nôn chớ nhiều
  • Ngủ ít
  • Thở nhanh/ khó thở

Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?

– Tiêm phòng: Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

– Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

Điều dưỡng Hồ Thị Bích – Khoa Truyền nhiễm

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em