Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Nâng cao hiệu quả hồi sức cấp cứu nhi dựa vào cấp cứu ban đầu tại cộng đồng

Nâng cao hiệu quả hồi sức cấp cứu nhi dựa vào cấp cứu ban đầu tại cộng đồng

Hồi sức cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong công tác nhi khoa, bao gồm ba thành phần cơ bản: hồi sức tại cộng đồng, hồi sức trong quá trình vận chuyển bệnh nhân và hồi sức tại cơ sở tiếp nhận. Cả ba giai đoạn nói trên đều có giá trị như nhau đối với sự an toàn của người bệnh. Nếu chỉ tập trung phát triển các kỹ thuật cao mà không hoàn thành tốt bước hồi sức cấp cứu cơ bản như cấp cứu ban đầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh nhân.

 

 

Nhận định trên của PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương, trong Hội thảo Khoa học Hồi sức cấp cứu nhi lần thứ II được tổ chức ngày 28/11 tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chính là điều trăn trở của các cán bộ y tế làm công tác quản lý tại các cơ sở khám chữa bệnh. PGS. TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn vững vàng tại cộng đồng, nâng cấp phương tiện vận chuyển cấp cứu là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công tác hồi sức cấp cứu nhi.

Hội thảo hồi sức cấp cứu nhi được tổ chức mỗi năm một lần là cơ hội để các y bác sĩ công tác trong lĩnh vực hồi sức cập nhật, trao đổi và học hỏi các kiến thức chuyên môn. Hội thảo năm nay tập trung vào hai chủ đề lớn: hồi sức hô hấp-thần kinh-ngộ độc và cấp cứu-hồi sức tuần hoàn.

 

 

Một số báo cáo tập trung vào các phương pháp can thiệp trong hồi sức cấp cứu như “Liệu pháp ô xy lưu lượng cao qua gọng mũi trong điều trị suy hô hấp cấp”-TS Phan Hữu Phúc, “Điều trị tăng áp lực nội sọ trẻ em”-Ths Đậu Việt Hùng, “Tiếp cận chẩn đoán và điều trị sốc tim ở trẻ em”- PGS Phạm Văn Thắng. Bên cạnh đó, vấn đề ngộ độc cấp ở trẻ em cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo số liệu thống kê trong báo cáo “Tổng quan một số ngộ độc thường gặp ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2014” của Tiến sĩ Trương Thị Mai Hồng-Ths Phạm Thị Thanh Tâm, 70% trường hợp ngộ độc cấp xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong vòng 2 năm từ 2012-2014, số trẻ ngộ độc đã tăng gần gấp đôi (từ 66 trẻ lên 120 trẻ), trong đó ngộ độc thức ăn chiếm tỉ lệ cao nhất (38,7%)

Hội thảo năm nay thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội hồi sức cấp cứu-chống độc Việt Nam, cùng các y- bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu tại nhiều bệnh viện trong cả nước, các học viên sau đại học tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Diễn đàn chuyên môn này nhằm hướng tới mục tiêu quan trọng nhất: nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Bài và ảnh: Lê Mai-Minh Hạnh



Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em