Trang chủ » Y học thường thức » Nghỉ hè, nhiều trẻ nhập viện do đuối nước

Nghỉ hè, nhiều trẻ nhập viện do đuối nước

Ngày 9/7, trong lúc người nhà không để ý, bé gái Nguyễn D. T (18 tháng tuổi, Phú Thọ) chẳng may ngã xuống ao trước cửa nhà. Người nhà cho biết, trẻ bị chìm dưới nước khoảng 3-5 phút thì mới được phát hiện và vớt lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, môi tím tái. Dù đã được gia đình cấp tốc đưa đi sơ cứu tại trạm xá rồi chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng với tình trạng thiếu oxy dẫn đến phù não cấp, bé D.T đã tử vong.

Hiểm họa đuối nước rình rập khi hè về

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé D. T chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn thương tâm do đuối nước mà các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trong vòng 1 tuần trở lại đây. Riêng ngày 9/7, khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhi chuyển đến điều trị do tai nạn sinh hoạt này.

 

Một bệnh nhân đuối nước đang được bác sĩ chăm sóc  (Ảnh minh họa)

 “Nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước  luôn là vấn đề được các chuyên gia y tế cảnh báo. Tai nạn đuối nước diễn ra quanh năm, nhưng mùa hè luôn là thời kỳ cao điểm. Trong số các bệnh nhi đuối nước nhập viện đợt này, đa số trường hợp rơi vào các trẻ trai, độ tuổi học sinh tiểu học. Thời tiết nắng nóng lại rơi vào những tháng nghỉ hè nên các cháu đi bơi và khả năng đuối nước vì vậy cũng cao hơn rất nhiều” –Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn-trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết.

Bé trai Nguyễn L.A ( 9 tuổi, Hưng Yên) là một trường hợp điển hình như vậy. Gia đình cháu L cho biết, 5 giờ chiều ngày 9/7 cháu A chơi ở ao làng cùng với các anh chị em họ cùng tuổi. Đi cùng nhóm trẻ còn có cô của cháu A, đứng trên bờ ao trông nom. Tuy nhiên, chỉ một phút mất cảnh giác, người cô đã không thấy cháu A đâu. Mò mẫm tìm kiếm dưới ao, cả đoàn may mắn tìm được cháu. Cháu A sau đó được nhanh chóng sơ cấp cứu và chuyển đến điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay, đã qua 3 ngày điều trị thở máy, bé L.A may mắn giữ được mạng sống.

Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn chia sẻ, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng dẫn tới biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài.

Cũng được chuyển đến khoa hồi sức cấp cứu do đuối nước như L.A nhưng cậu bé Phan P.L (9 tuổi, Thái Bình) lại không may mắn như vậy. Tai nạn thương tâm xảy đến với cháu vào lúc 4 giờ 30 phút chiều ngày 9/7. Thời điểm ấy, bé L theo các bạn đi tập bơi ở ao làng gần nhà. Trong lúc đùa nghịch, bé L bị hụt chân rồi chìm xuống ao khoảng 5-6 phút. Sau khi được người lớn đưa lên bờ sơ cứu, cháu L vẫn tỉnh táo, nói chuyện được nhưng bị kích thích nhẹ. Ngay sau đó, gia đình đã đưa trẻ vào bệnh viện tỉnh để theo dõi Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm, lấy dịch mũi họng. Tuy nhiên, 30 phút sau cháu L xuất hiện khó thở, môi và tay chân tím tái. Trước tình hình đó, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã tiến hành đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi nhập viện, cháu L đã trong tình trạng nguy kịch: suy hô hấp, phù phổi do ngạt nước. Mặc dù đã được các bác sĩ tích cực điều trị, xong với tình trạng bệnh nặng, cháu L đã tử vong chỉ sau 2 ngày nhập viện.

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ

Các bác sĩ BVNTW hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân đuối nước 

Theo số liệu từ Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong giai đoạn 2010- 2015, ở nước ta trung bình mỗi năm có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước, trong đó chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất là nhóm trẻ 5 – 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn .

Tai nạn đuối nước ở trẻ em trở thành một hiểm họa  gây lo lắng trong cộng đồng, nhất là với nhiều bậc cha mẹ trong thời điểm mùa hè, khi trẻ được nghỉ hè. Chính vì điều này, ngoài việc chăm lo để mắt đến các hoạt động vui chơi của trẻ, việc dạy bơi, học bơi trở thành một trong những kỹ năng “sinh tồn” cần trang bị cho trẻ trong mùa hè.

“Với nhóm trẻ lớn, đặc biệt là các bé trai bản tính vốn hiếu động, gia đình và nhà trường cần giáo dục ý thức tự bảo vệ khỏi các hoạt động mạo hiểm. Ngoài ra, trẻ cần được tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.

Thêm vào đó, trẻ cần nắm được kỹ năng xử lý cấp cứu, cứu nạn để biết cách xử trí trong các trường hợp bất trắc. Cha mẹ nên chủ động chỉ dẫn cho các em nơi nào có thể bơi lội an toàn, tránh xa những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy, nguy cơ cao”– Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn chia sẻ

Lê Mai

 

 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em