Trang chủ » Đào tạo » Thông tư 41 ” Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”

Thông tư 41 ” Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”

THÔNG TƯ
Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề
và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 87/2011/NĐ – CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ – CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc:

1. Cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là người hành nghề) bao gồm:

a) Hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề);
b) Xác nhận quá trình thực hành;
c) Tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh;
d) Tổ chức việc cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

2. Cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Điều kiện cụ thể cấp giấy phép hoạt động đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Tổ chức việc cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi toàn quốc, trừ người hành nghề và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thời gian khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề là thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh kể từ ngày người đó bắt đầu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp văn bằng chuyên môn (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề (bao gồm cả thời gian học chuyên khoa hoặc sau đại học theo đúng chuyên khoa mà người đó đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề).

2. Thời gian khám bệnh, chữa bệnh để làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật hoặc người phụ trách khoa, phòng, bộ phận chuyên môn (sau đây gọi tắt là khoa) là thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh kể từ ngày người đó bắt đầu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp văn bằng chuyên môn (xác định từ thời điểm ký kết hợp đồng lao động hoặc có quyết định tuyển dụng) đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật hoặc người phụ trách khoa (bao gồm cả thời gian học chuyên khoa hoặc sau đại học theo đúng chuyên khoa mà người đó được phân công, bổ nhiệm).

3. Người làm việc toàn thời gian là người làm việc trong toàn bộ thời gian hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký, ví dụ:
– Bệnh viện đăng ký thời gian hoạt động là 24 giờ/ngày và 07 ngày/tuần thì người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện phải là người làm việc đầy đủ thời gian hoạt động hành chính của bệnh viện không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ và không bao gồm thời gian trực;
– Phòng khám đa khoa đăng ký thời gian hoạt động từ 08h00 – 16h00 và 07 ngày/tuần thì người làm việc toàn thời gian tại phòng khám phải là người làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 – 16h00 hàng ngày, không bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ.

Điều 4. Nguyên tắc hướng dẫn và áp dụng pháp luật
1. Thông tư này hướng dẫn những điều, khoản, điểm mà Luật khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 87/2011/NĐ-CP) giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thi hành và những vấn đề khác có liên quan đến việc cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Ngoài việc áp dụng Luật khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 87/2011/NĐ-CP và Thông tư này, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn phải thực hiện các quy định của pháp luật về dược, thương mại, doanh nghiệp, đầu tư, quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Việc thu và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề; cấp, cấp lại và điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cấp giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh; cấp giấy phép đối với cơ sở giáo dục đủ điều kiện để kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương II

QUY ĐỊNH VIỆC CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Mục 1
HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam
1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;
b) Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) cấp;
c) Giấy xác nhận quá trình thực hành;
d) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác;
đ) Phiếu lý lịch tư pháp (chỉ áp dụng khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hướng dẫn triển khai thực hiện theo quy định của Luật lý lịch tư pháp);

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người bị mất hoặc bị hư hỏng chứng chỉ hành nghề hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các Điểm c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 02 quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;
b) Các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ giấy xác nhận quá trình thực hành;
c) Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 02 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;

b) Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn;

c) Giấy xác nhận quá trình thực hành;

d) Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không có giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo thì phải có người phiên dịch để phiên dịch từ ngôn ngữ của người đó đăng ký sử dụng sang tiếng Việt.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đăng ký sử dụng ngôn ngữ khác mà không phải là tiếng mẹ đẻ của người đó để khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó và phải có người phiên dịch để phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt.

Người phiên dịch phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người nước ngoài đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và có hợp đồng lao động với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người nước ngoài làm việc;

đ) Bản sao có chứng thực giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp;

e) Trường hợp các văn bản quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 Điều này do tổ chức nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị mất hoặc bị hư hỏng chứng chỉ hành nghề hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo mẫu 03 quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các Điểm c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo mẫu 03 quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này; hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn;
b) Các giấy tờ quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề
1. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các Điều 5, Điều 6 Thông tư này được thực hiện như sau:
a) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế;
b) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế tỉnh.

2. Trình tự xem xét đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề
a) Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) gửi cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trong thời gian quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 28 Luật khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Tổ thư ký quy định tại Điều 9 Thông tư này phải tiến hành thẩm định hồ sơ. Nếu không có yêu cầu bổ sung thì phải trình thủ trưởng cơ quan tiếp nhận hồ sơ để cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề; nếu không cấp, cấp lại thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung thêm những tài liệu nào, sửa đổi nội dung gì;
d) Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Ngày tiếp nhận hồ sơ bổ sung được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề trong thời gian quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
đ) Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều này.

3. Chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp, cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 và theo mã số quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này và mỗi cá nhân chỉ được cấp một chứng chỉ hành nghề. Phôi chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế quản lý và cung cấp.

4. Bản sao chứng chỉ hành nghề và hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề được lưu tại cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

Quý khách xem nội dung thông tư đầy đủ tại đây: Thong tu 41.doc



Chuyên mục: Đào tạo

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em