Trang chủ » Y học thường thức » Trẻ vị thành niên bị bạo lực gia đình

Trẻ vị thành niên bị bạo lực gia đình

Những điều cần suy ngẫm

Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là của cả xã hội. Sự nhận thức về sự nghiêm trọng và hậu quả lâu dài của các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em còn chưa được cảnh báo đúng mức. Trẻ em đặc biệt là trẻ vị thành niên rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng thực tế hiện nay nhiều trẻ vẫn còn chịu đựng về những bạo lực trong gia đình gây ra. Điều đáng buồn là nhiều trường hợp trẻ bị bạo lực do bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ, những người ruột thịt trong gia đình. Bản thân cha mẹ, trong 1 số trường hợp, không biết rằng chính mình là người gây bạo lực với con của mình.

Bài học đau lòng

        Vừa qua, khoa sức khoẻ Vị thành niên đã tiếp nhận một trẻ nữ 13 tuổi đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. Theo gia đình kể lại, do bức xúc khi bị mẹ và chị gái đánh nên cháu đã hành động dại dột như vậy.

Chuyện xảy ra trong đợt dịch Covid vừa qua, cháu theo học chương trình online của nhà trường nên thường xuyên ở nhà. Ngoài thời gian học, cháu hay vào mạng xem phim ảnh và các trang mạng xã hội khác. Vì thế, mẹ cháu lo lắng và yêu cầu cháu phải thường xuyên mở cửa phòng để mọi người luôn giám sát được. Cháu không hài lòng về điều này vì nghĩ mình đã lớn và cần có không gian riêng tư cho bản thân. Bởi vậy, mỗi khi về nhà là cháu đóng cửa lại, không thực hiện theo yêu cầu của mẹ. Điều này khiến mẹ cháu bực mình vì nghĩ con mình đã không biết nghe lời nên đánh cháu để “dạy dỗ”. Thêm vào đó, chị gái cũng hùa theo mẹ và đánh em. Cháu cảm thấy vô cùng đau đớn về thể xác và tinh thần, cảm thấy rất tủi thân vì những người thân trong gia đình đã không chia sẻ, che chở mà còn hành hạ cháu. Vì vậy,  cháu đã mua thuốc trừ sâu và uống để tự tử. Điều may mắn là cháu được phát hiện sớm và đưa đến Bệnh viện để cấp cứu kịp thời. Sau khi ổn định về chức năng sống, cháu đã được chuyển đến khoa sức khoẻ Vị thành niên- Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại khoa Sức khoẻ Vị thành niên, các bác sỹ đánh giá cháu có những tổn thương về tâm lý và cần phải điều trị hỗ trợ. Ngoài ra, các bác sỹ cùng với nhà tâm lý cũng đã gặp gia đình để trao đổi và hướng dẫn về việc giáo dục đối với trẻ.

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh trạng tinh thần của cháu được cải thiện và cháu được ra viện để tiếp tục học tập và hoà nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, các bác sỹ cũng lo lắng về tương lai của cháu vì khi về nhà nếu tình trạng bạo hành gia đình vẫn tiếp tiếp xảy ra thì việc trẻ chọn đến cái chết là điều khó tránh khỏi và hậu quả lần sau sẽ còn đau lòng hơn. Trong khi đó trên thực tế hiện nay, vai trò bảo vệ và chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên

Bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động tới cả tinh thần và thể xác gây tổn thương nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này nhưng trước hết ở nước ta phải kể đến nhận thức của các gia đình như phong tục, thói quen. ″Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấy lâu nay khiến cho các bậc phụ huynh xem chuyện đánh con mình là “bình thường” và đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Tuy nhiên, chính những quan điểm sai lầm và không đúng mực này có thể gây ra những hậu quả đau lòng và đáng tiếc do chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như quyền được bảo vệ của trẻ em.

Những điều cần suy ngẫm

Hiện nay một số bậc cha mẹ vẫn cho rằng việc đánh con được xem như một “hình thức giáo dục của gia đình”. Chính việc nhận thức đó đã dẫn đến nhiều trường hợp cha mẹ quá lạm dụng “roi vọt” trong việc dạy dỗ, vô tình họ đã biến con mình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Những hành vi bạo lực gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Vị thành niên là giai đoạn biến động lớn về tâm sinh lý nên trẻ cần được lắng nghe và chia sẻ nên những hành động bạo lực về thể chất và tinh thần đều có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ có những suy nghĩ bồng bột và có thể những hành vi nguy hiểm như bài học đau lòng trên. Vì thế, cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục giúp các bậc phụ huynh thay đổi các nhận thức và hành vi trong cách giáo dục con mình đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên. Ngoài ra, mọi người dân cũng cần nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về pháp luật cũng như quyền được bảo vệ của trẻ em..

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh

Khoa Sức khỏe Vị Thành Niên

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em